Trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều chỉ tiêu về kinh tế của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã suy giảm rõ rệt trong năm 2021 do sự ngưng trệ của các hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ giữa tháng 10/2021, dù nhiều hoạt động dịch vụ đã được mở cửa trở lại nhưng các hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể hồi phục. Tuy nhiên theo thống kê, mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay vẫn là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển cao, nhiều chỉ tiêu về kinh tế trong năm 2021 vẫn đạt thậm chí vượt mức đề ra. Một trong những yếu tố lớn góp phần tạo nên thành tích này là nhờ các chỉ đạo sâu sát, kịp thời của chính quyền tỉnh cũng như các ý tưởng được mạnh dạn áp dụng của các sở ngành liên quan.
Một trong những đóng góp có tính đột phá nhất là ý tưởng của Sở Thông tin và Truyển thông trong việc triển khai đề án hỗ trợ người nông dân khắc phục những khó khăn trong tiêu thụ nông sản trước bối cảnh dịch bệnh gây ra hàng loạt bất lợi trong các vấn đề sản xuất, chế biến, vận tải…
Theo đó, Sở đã chủ trì, phối hợp các đơn vị phụ trách triển khai áp dụng thí điểm kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử nhằm tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Những kết quả đạt được khi thí điểm ở huyện Châu Đức là rất tích cực khi chỉ trong vòng hơn một tháng triển khai, tới nay UBND huyện Châu Đức đã rà soát, cung cấp danh sách 511 hộ dân, tổ hợp tác, HTX sản xuất, kinh doanh các sản phẩm: trái cây, rau, củ, quả, nấm các loại cho Bưu điện tỉnh để liên hệ hướng dẫn người dân lập tài khoản sàn thương mại điện tử Postmart hoặc Voso. Hiện nay huyện đã tổng hợp được danh sách 2.187 hộ dân để tham gia sàn thương mại điện tử.
Sàn thương mại điện tử Postmart.vn
Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội Nông dân tỉnh, Bưu điện tỉnh và Bưu chính Viettel chi nhánh Vũng Tàu ký kết Chương trình phối hợp về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho khoảng 400 công chức, viên chức, người lao động cách thức đăng ký sử dụng sàn thương mại điện tử (bằng hình thức trực tuyến) trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố để tăng cường nhân lực; phối hợp Bưu điện tỉnh và Đoàn Thanh niên, Hội nông dân các địa phương tổ chức chương trình thi đua "Sàn Postmart đồng hành cùng nông sản Việt" nhằm thúc đẩy các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia và sử dụng sàn thương mại điện tử. Kết quả là rất khả quan khi tới nay số tài khoản "lên sàn" đã đạt đến con số 9.769.
Ông Trương Hữu Chiến – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: "Việc phát triển mô hình các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn mà còn giúp đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tốt hơn, tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian. Nó cũng có vai trò kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, gia tăng các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài ra, người bán cũng có thêm một kênh bán hàng thông minh, nhiều tiện ích, dễ quản lý và theo dõi; tìm được thêm một lối ra thị trường mới hơn, tiếp cận đối tượng tiêu dùng rộng lớn hơn; tiếp cận chuyển đổi số khi tham gia sàn thương mại điện tử như ví thanh toán điện tử, hộp thư điện tử…".
Ông Trương Hữu Chiến – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Thông qua sàn giao dịch nông sản điện tử, cho tới nay, số lượng sản phẩm được kết nối qua các kênh bán hàng tại bưu cục, điểm bán hàng bình ổn giá, và kênh bán trực tuyến trên sàn Postmart và Voso đã đạt tới khoảng 400 tấn hàng hoá.
Thực tế cho thấy, mặc dù còn một số khó khăn trong quá trình tiếp cận, phổ biến nhanh, hiệu quả nhưng việc đưa nông sản lên tại các sàn thương mại điện tử đang là một trong những giải pháp mới để hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm. Kênh tiêu thụ này không chỉ hoạt động hiệu quả trong mùa dịch mà còn có thể giúp mỗi hộ nông dân tiếp cận với hàng triệu người tiêu dùng trên khắp cả nước.
Tiêu thụ nông sản qua sàn giao dịch thương mại điện tử là một tiền đề có tính chất đột phá, là tiên phong trong việc khai thác các nguồn lực của tỉnh, tận dụng công nghệ thông tin, hứa hẹn thay đổi nhiều hoạt động mang tính truyền thống theo hướng ngày càng tiến bộ và hiện đại hoá hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!