Đất ven dự án sân bay bị "thổi giá"
Sốt đất dữ dội nhất lại thuộc về một địa phương chưa bao giờ xảy ra tình trạng này như tỉnh Bình Phước. Nhiều văn phòng giao dịch đất đai được dựng lên tạm bợ khắp nơi ở xã An Khương và Tân Lợi.
Loạt bài trên tờ Tiền phong phản ánh, tình trạng sốt đất rầm rộ nhất là ở huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước sau thông tin Ủy ban nhân dân tỉnh này có chuyến khảo sát thực địa làm cơ sở đề xuất Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng và Chính phủ giao lại sân bay quân sự Téc Ních để xây dựng sân bay.
"Sốt đất" trên diện rộng
Tờ Người Lao động cũng có loạt bài phản ánh tình trạng đất tăng giá chóng mặt tại nhiều địa phương. Giá đất được "đẩy" lên từng ngày ở khu vực dự kiến triển khai thực hiện dự án xây dựng Cảng Hàng không Quảng Trị ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Biển mua bán đất được dựng lên trên tuyến đường liên xã An Khương, Tân Lợi, huyện Hớn Quản, Bình Phước. (Ảnh: Dân trí)
Tại Thanh Hóa, giá đất tại huyện Như Thanh nhảy vọt khi hay tin Sun Group sẽ khởi công dự án nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí lên tới 10.000 tỷ đồng tại Vườn Quốc gia Bến En.
Tại Hà Nội, ở các quận huyện Đông Anh, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng..., giá đất đang tăng đột biến. Chẳng hạn như Xuân Canh, Đông Anh, giá đất từ 15 - 17 triệu đồng/m2, nay được chào bán gấp đôi. Nguyên nhân được xác định là do Hà Nội sắp công bố Quy hoạch sông Hồng.
Có khi mới chỉ là ý tưởng được đề xuất trong quy hoạch, nhưng nhiều đối tượng tung tin quy hoạch đã được phê duyệt; đất vườn được giới thiệu là đất thổ cư…, những chiêu trò rất quen thuộc đối với giới "cò nhà đất" chỉ để ăn chi phí môi giới trong chuyển nhượng. Có thể thấy, họ luôn kích cho sốt đất mạnh hơn. Chợ bất động sản được lập ngay trên những con đường đi vào thôn xóm, nơi có dự án.
Hệ lụy từ "sốt đất"
Sốt đất sẽ gây nhiều hệ lụy xấu cho thị trường bất động sản và nền kinh tế. Sốt đất hút nguồn lực của các nhà đầu tư lao vào vòng xoáy tăng giá đất đai. Sốt đất làm giảm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Đất tăng giá cũng sẽ cản trở mạnh việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống vào địa phương vì giá đất tăng kéo các chi phí khác tăng theo. Hơn nữa, việc tăng giá đất có thể sẽ làm tăng chi phí phát triển nhà ở và sẽ càng khó hơn cho việc thực thi các chính sách phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, tờ Nông thôn ngày nay cảnh báo.
Thỉnh thoảng lại có chuyện sốt đất ở nơi này, nơi kia, lúc này hay lúc khác. Bài học từ cơn sốt đất những năm 2018 - 2019 tại Phú Quốc, Kiên Giang; Vân Đồn, Quảng Ninh và trước đó là Bắc Vân Phong, Khánh Hòa, những cơn sốt cục bộ như sân bay Long Thành, Đồng Nai từng xảy ra nhiều hệ lụy. Kết quả là hàng trăm ngàn tỷ đồng đầu tư vào đất đai.
Xe ô tô của các nhà đầu tư từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… tìm đến Hớn Quản. (Ảnh: Dân trí)
Cảnh báo vỡ bong bóng bất động sản
Trên tờ Tuổi trẻ, Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, phân tích nguyên nhân khiến giá đất được đẩy lên sau khi nhiều địa phương bắt đầu phê duyệt quy hoạch 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, giá đất tăng từng ngày khi huyện ngoại thành này "sắp lên quận", hay một loạt tỉnh đề xuất xây sân bay... Bên cạnh đó, nhiều dự án hạ tầng cũng được đẩy mạnh. Tất cả các yếu tố này khiến người ta "nhìn thấy" khi hình thành quy hoạch, dự án, giá đất sẽ lên rất cao. "Tuy nhiên bong bóng đến một lúc nào đó sẽ phải vỡ".
Đầu tư vào bất động sản, tính rủi ro rất cao. Sốt đất là do quy hoạch, do cò đẩy giá đất lên cao, nhưng theo góc nhìn của các chuyên gia, cơn sốt và tình trạng tiền ào ạt đổ vào đất còn có nhiều nguyên nhân khác.
Giải mã "cơn sốt" đất điên đảo từ Bắc chí Nam: Tiền vào bất động sản thành 'cục máu đông'
Báo Tiền phong phản ánh thực tế, việc các ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay mua nhà, khiến dòng tiền vẫn luồn lách, đổ vào bất động sản. Trong khi đó lãi suất huy động tiền gửi liên tục hạ do cầu tín dụng giảm đang đẩy dòng tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng nhanh hơn.
Liệu đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay để ngăn chặn tình trạng tín dụng chảy vào đầu tư bất động sản rất dễ xảy ra những hệ lụy rủi ro sau này?
Hiện nay chưa có thống kê tài sản ròng của người dân Việt Nam phân bổ vào các lớp tài sản nào, nhưng tỷ lệ dồn vào nhà đất là rất lớn, nếu không nói là toàn bộ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thông tin chính xác về quy hoạch, biết rõ về thời gian, quy định pháp lý đất đai mới dẫn đến việc mua theo tin đồn, sốt ảo.
Trước câu hỏi làm gì để cắt sốt, các báo trong tuần đều có chung góc nhìn rằng, để xử lý các cơn sốt đất không thể không nhắc đến vai trò của cơ quan quản lý nhà nước.
"Sốt đất" khắp nơi, trách nhiệm thuộc về ai?
Giá đất được đẩy lên sau khi nhiều địa phương bắt đầu phê duyệt quy hoạch 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. (Ảnh: Dân trí)
Mới đây, nhiều địa phương đã có động thái chấn chỉnh, cảnh báo đến người dân, nhà đầu tư nhưng đó chỉ mới là biện pháp hạ sốt tức thời. Theo tờ Người Lao động, Bộ Xây dựng đang tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát thị trường bất động sản, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin để làm giá, đẩy giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng đã đưa ra một số khuyến nghị. Trong đó, hội đề cập đến việc cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với các hiện tượng sốt đất trên địa bàn. Đó là khuyến nghị được cho là cần thiết và khá rõ ràng.
Quy hoạch không có lỗi, nhưng tác động của quy hoạch lên thị trường bất động sản và giá đất là có thật. Vì vậy, trong rất nhiều giải pháp được nêu ra, minh bạch thông tin quy hoạch giải pháp được nhắc đến nhiều nhất. Bởi khi nào vẫn còn thông tin nội gián, tin đồn, đẩy giá vẫn còn và vẫn có những động thái "tranh thủ" thổi giá thông tin để kiếm lời, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn nhận định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!