Sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 30/11/2024 07:20 GMT+7

VTV.vn - Online Friday đã đóng vai trò có tính chất kết nối giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng và phát triển thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam.

Nhiều ưu đãi trong ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam

Online Friday là Ngày mua sắm trực tuyến của Việt Nam. Vào dịp này hàng năm, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đưa ra hàng nghìn voucher ưu đãi lớn cho người dân mua sắm hàng hóa Việt Nam chất lượng cao.

Hôm nay, cụ thể là từ 0h00 sáng nay, 60 giờ mua sắm trực tuyến của chương trình Online Friday đã chính thức bắt đầu. Nhiều người cho đón mua sắm từ những giờ phút đầu tiên. Ghi nhận của phóng viên chúng tôi ngay trong đêm qua.

Điểm nhấn năm nay là chương trình mang đến nhiều hàng hoá được sản xuất nội địa, thúc đẩy thông điệp "Tự hào hàng Việt Nam" trên môi trường trực tuyến. Không chỉ chuẩn bị về nguồn lực, các thiết bị quay chụp đều được các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ lưỡng để khách hàng có sự trải nghiệm tốt nhất.

Bà Trần Tố Quyên - Giám đốc kinh doanh Công ty Truyền thông giải trí VITAMIN cho biết: “Thay vì trước đây chúng tôi đang sử dụng livestream bằng điện thoại. Tuy nhiên, do thời lượng livestream rất dài, cũng như các nhãn hàng tham gia rất lớn, để tăng trải nghiệm về độ sắc nét cũng như trực quan của khách hàng về sản phẩm, chúng tôi đã thay đổi toàn bộ thiết bị trở thành thiết bị máy quay, thiết bị máy ảnh và các thiết bị đèn cũng được tăng công suất lên rất nhiều để đảm bảo cho việc trải nghiệm của khách hàng là rất lớn”.

Nhiều nền tảng tung ra hàng loạt voucher ưu đãi từ 15 - 20%. Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử khác cũng sẽ tài trợ hàng ngàn vouchers giảm giá và các phiếu miễn phí giao hàng.

Với lợi thế huy động hệ thống Sở Công thương 63 tỉnh, Thành phố trên cả nước thúc đẩy để nguồn hàng địa phương và đảm bảo về nguồn hàng xuất xứ nội địa, Online Friday sẽ tiếp tục có ý nghĩa đi đầu về lan toả "Tự hào hàng Việt", là điểm khác biệt lớn nhất so với các chương trình khuyến mại hiện nay.

Ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Bộ Công thương cho biết: “Đây là thời điểm bắt đầu xây dựng về một mạng lưới kết nối các doanh nghiệp hàng Việt lại với nhau. Các doanh nghiệp có sản phẩm Việt Nam bán tốt trên thị trường cùng kết nối với các nhà chuyển phát, sàn thương mại điện tử để tạo ra không gian người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên môi trường trực tuyến”.

Qua sự kiện này sẽ kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ nhà sản xuất tiếp cận gần hơn với thị trường, mang lại cơ hội lựa chọn đa dạng hơn về sản phẩm và giá cả cho người tiêu dùng.

Sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến - Ảnh 1.

Online Friday là Ngày mua sắm trực tuyến của Việt Nam

Tăng hiệu quả cho chương trình kích cầu tiêu dùng

Suốt 10 năm qua, Online Friday đã đóng vai trò có tính chất kết nối giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng và phát triển thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam. Đây cũng là nỗ lực thúc đẩy thương mại điện tử do cơ quan Nhà nước, cụ thể là Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương tổ chức. Tuy nhiên, hiện nay các sàn thương mại điện tử và các nền tảng bán lẻ, thậm chí từng chủ gian hàng đều chủ động tung ra các chương trình khuyến mãi khác nhau. Chương trình này phụ thuộc phần lớn vào sự hưởng ứng của các đối tác liên quan.

Do không có nền tảng, nên chương trình do Bộ Công thương phát động phụ thuộc nhiều vào sự hưởng ứng của các sàn, mà hưởng ứng như thế nào còn tuỳ từng đơn vị. Đây là hình ảnh các khuyến mại trên sàn thương mại điện tử này trong những ngày diễn ra Online Friday. Không có nhận diện đặc trưng của chương trình, các khuyến mại để khá chung, lẫn với chương trình khuyến mại do sàn tự tổ chức.

Ông Nguyễn Phan Anh - Giảng viên Khoa Thương mại điện tử và Hệ thống thông tin kinh tế, Đại học Thương mại nêu ý kiến: "Bản thân Bộ Công thương không có nền tảng riêng của mình. Hầu hết các chương trình hiện nay đều thông qua các nền tảng số như Shopee, Tiktok, Lazada hoặc tùy từng thời điểm, nền tảng nào phát triển sẽ kết hợp với chương trình đó. Cho nên sẽ có sự phụ thuộc, đồng thời cũng có sự hoà lẫn, hoà tan với các chương trình chính thống của các sàn tung ra".

Còn nền tảng này, các KOLS, các shop ủng hộ chương trình Online Friday và s tung các khuyến mãi trong tuần lễ, trong đó, khuyến mãi lớn khủng nhất trong 60 giờ mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, so với những chương trình khuyến mại như ngày đôi 10/10, 11/11 do nền tảng tự thiết kế, hiệu quả của chương trình khuyến mại ủng hộ theo dòng sự kiện Online Friday không có đột phá về số giao dịch của một chương trình được truyền thông chính thức.

Ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện TikTok tại Việt Nam nhận định: "Năm nay online sẽ tập trung vào hàng Việt Nam nên hàng hóa sẽ khó hơn mọi năm. Cho nên năm nay làm cực kỳ khó, tốn kém. Chúng tôi kỳ vọng, trong tuần lễ này thực hiện được 5 triệu giao dịch hàng Việt Nam trên nền tảng và kỳ vọng có thể có đến 2 tỷ lượt tiếp cận, lượt xem các nội dung liên quan đến chương trình".

Bên cạnh đó, các vấn đề đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng như chất lượng hàng hoá, vấn đề xử lý các khiếu nại cũng phụ thuộc vào sự tuân thủ thực hiện của các đối tác đăng ký tham gia mà không có hệ thống xử lý khiếu nại riêng, được đảm bảo chính thức từ chương trình.

Sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến - Ảnh 2.

Hơn 183 triệu người dự kiến sẽ mua sắm từ Lễ Tạ ơn đến Cyber Monday, với 131 triệu người tập trung vào ngày Black Friday - Ảnh: Xinhua

Black Friday 2024: Bức tranh mua sắm tại Mỹ

Tại Mỹ, nước này cũng đã chính thức bước vào mùa mua sắm cuối năm, với Black Friday và Cyber Monday - dịp cao điểm được hàng triệu người tiêu dùng mong đợi. Nhưng năm nay, câu chuyện mua sắm không chỉ xoay quanh những con số. Báo chí Mỹ đã ghi nhận nhiều chuyển dịch rõ rệt trong hành vi tiêu dùng, cho thấy sự thay đổi thói quen cũng như chiến lược của các nhà bán lẻ.

Dù đối mặt với không ít khó khăn, người tiêu dùng Mỹ vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. Theo Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF), hơn 183 triệu người dự kiến sẽ mua sắm từ Lễ Tạ ơn đến Cyber Monday, với 131 triệu người tập trung vào ngày Black Friday.

Theo WTJ, để đáp ứng nhu cầu đó, hàng loạt chương trình khuyến mãi được các hãng bán lẻ Mỹ tung ra để thu hút khách hàng. Bestbuy triển khai chương trình "doorbuster" là những đợt giảm giá sốc ngắn hạn kéo dài nhiều tuần. Còn Target thu hút khách hàng với những sản phẩm độc quyền, chỉ có trong ngày Black Friday.

Một xu hướng rõ rệt được Reuters ghi nhận là người dùng ngày càng "chọn lọc hơn". Thay vì chi tiêu mạnh tay như trước đây, họ tập trung vào các sản phẩm thực sự cần thiết và so sánh giá kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Điều này buộc các nhà bán lẻ phải điều chỉnh chiến lược, tập trung vào các chương trình giảm giá chiến lược thay vì giảm giá đại trà.

Không thể không nhắc đến sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến, một xu hướng nổi bật trong năm nay.

Theo AP, các nhà bán lẻ đã đẩy sớm các chương trình khuyến mãi từ tháng 10 để kích cầu tiêu dùng. Adobe Digital Insights báo cáo rằng người dùng đã chi hơn 77 tỷ USD cho mua sắm trực tuyến từ ngày 01 đến 24/11, tăng 9,6% so với năm ngoái. Mức chi tiêu này dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi nhiều mặt hàng còn giảm sâu hơn trong thời gian tới.

Nhưng dù trực tuyến bùng nổ, các cửa hàng thực tế vẫn có sức hút đặc biệt trong ngày Black Friday.

Theo nghiên cứu, khách hàng tại cửa hàng có khả năng mua tự phát cao gấp ba lần so với trực tuyến. Đây là lý do vì sao các nhà bán lẻ không ngần ngại trang trí cửa hàng bắt mắt, tổ chức các sự kiện lễ hội và tạo không gian trải nghiệm để thu hút khách.

CNN đưa ra dự báo doanh số mùa lễ hội năm nay sẽ tăng 3,3% so với năm ngoái, nhưng thấp hơn mức trung bình dài hạn là 4,3%. Dù vậy, người tiêu dùng vẫn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng kinh tế trong mùa lễ hội cuối năm này.

Black Friday không chỉ là ngày mua sắm giảm giá mà còn là dịp để người dùng tận hưởng không khí lễ hội đặc trưng, trải nghiệm truyền thống lâu đời và cảm nhận sự nhộn nhịp của mùa lễ cuối năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước