Niềm tin tiêu dùng đạt bước nhảy vọt, các doanh nghiệp tư nhân khởi đầu quý II mạnh mẽ với nhiều số liệu ấn tượng trong vòng 3 năm qua, khu vực dịch vụ và sản xuất tại châu Âu tăng trưởng mạnh mẽ vượt mức dự báo. Tuy vậy các chuyên gia cho biết, trong khi Đức tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng thì Pháp vẫn gây thất vọng.
Ông Tom Vosa, Ngân hàng quốc gia Úc cho biết: “Tăng trưởng châu Âu vẫn phụ thuộc vào nền kinh tế đầu tàu Đức. Bởi vậy, bất kỳ sự gián đoạn thương mại nào giữa Đức và Nga do bất ổn tại Ukraine đều có thể mang lại hậu quả khó lường đối với châu Âu”.
Cơ quan giám sát tài chính của Pháp cho hay, nước này chỉ có thể tăng trưởng tích cực trong 2 năm tới nếu tập trung nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách. Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn chịu áp lực trước lãi suất giảm 6 tháng liên tiếp, hiện nằm trong ranh giới báo động thấp dưới mức 1%.
Ông Simon Derrick, Ngân hàng NY Mellon cho biết: “Tôi cho rằng tăng trưởng sẽ khó đạt mức dự báo trong năm nay. Giảm phát tại một số quốc gia sẽ tiếp tục tăng và tạo áp lực đối với ECB, tiến tới sử dụng chương trình nới lỏng định lượng”.
Một số quốc gia khác với kết quả tăng trưởng không thật mỹ mãn còn cho hay, đồng tiền chung Euro tăng giá lại chính là nguyên nhân gây giảm sút xuất khẩu và hạn chế tăng trưởng. Với những số liệu và tín hiệu kinh tế trái chiều, giới chuyên môn vẫn kiên nhẫn chờ đợi những động thái tiếp theo của ECB nếu bối cảnh kinh tế châu Âu vẫn duy trì như hiện tại.