Hôm nay (27/10), Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi. Khác biệt lớn nhất của dự thảo là đã mở rộng đối tượng, phạm vi sang cả các doanh nghiệp hoạt động ở nước ngoài. Sự điều chỉnh này được đánh giá là phù hợp với xu thế hội nhập, toàn cầu hóa. Tuy nhiên, cần có cơ chế như thế nào để quản lý và xử phạt được những vi phạm xuyên biên giới vẫn là bài toán khó.
Dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi đã mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khỏi biên giới Việt Nam, có nghĩa ngay cả những doanh nghiệp nước ngoài không có trụ sở ở Việt Nam, mà có hành vi cạnh tranh không lành mạnh vẫn bị xử lý nếu hành vi đó có tác động tới thị trường trong nước. Thay đổi này sẽ tạo cơ chế công bằng hơn cho tất cả các loại hình doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp nước ngoài thường có hoạt động thương mại ở nhiều quốc gia. Trong khi cơ chế liên kết thông tin của cơ quan chức năng Việt Nam với các nước khác còn yếu. Vì thế, dù dự thảo luật có đưa hành vi vi phạm xuyên biên giới vào luật cũng không dễ thi hành.
Chưa kể, suốt 12 năm kể từ khi Luật Cạnh tranh ra đời, mới có gần 70 doanh nghiệp bị điều tra, xử lý được 8 vụ vi phạm hạn chế cạnh tranh. Tính trung bình, cơ quan chức năng phải mất tới 1,5 năm mới giải quyết được một vụ việc. Thời gian lâu, số lượng ít, cho thấy sự hạn chế trong thực thi của cơ quan quản lý.
Các chuyên gia cho rằng, cần gia tăng tính độc lập cho cơ quan quản lý cạnh tranh, tránh bị chi phối bởi Bộ chủ quản như hiện nay. Như vậy, mới có thể xử lý được những hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị thao túng bởi các DN thuộc các Bộ ngành có liên quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!