Tác động của căng thẳng tại Trung Đông lên giá dầu thế giới

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 05/10/2024 13:05 GMT+7

VTV.vn - Biến động của thị trường dầu mỏ thế giới sẽ phụ thuộc rất lớn vào các động thái đáp trả của Israel trong thời gian tới.

Iran trong thị trường xuất khẩu dầu thô toàn cầu

Vào đêm ngày 1/10 vừa qua theo giờ địa phương, Iran đã phát động cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo ồ ạt vào Israel. Đây là sự leo thang mới nhất trong căng thẳng địa chính trị đã kéo dài gần một năm qua tại khu vực Trung Đông.

Khu vực Trung Đông được xem là giếng dầu của thế giới với hàng loạt nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu, trong đó Iran, quốc gia hiện đang bị cuốn vào vòng xoáy trực tiếp của chiến tranh, nằm trong nhóm 10 nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Trong 5 tháng đầu năm 2024, mỗi ngày Iran xuất khẩu 1,65 triệu thùng dầu ra thị trường thế giới. Riêng trong ba tháng tính từ cuối tháng 3/2024, doanh thu từ xuất khẩu dầu thô của Iran đã tăng 34,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 12 tỷ USD.

Sau khi Iran tập kích tên lửa ồ ạt vào lãnh thổ Israel, chính phủ Israel cảnh báo sẽ tấn công trả đũa vào các nhà máy và cơ sở lọc dầu của Iran. Hành động này được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến thị trường dầu thô toàn cầu.

Tác động của căng thẳng tại Trung Đông lên giá dầu thế giới - Ảnh 1.

Ngay sau cuộc tập kích tên lửa của Iran vào Israel, giá dầu trên thị trường toàn cầu đã đồng loạt tăng vọt

Tác động của căng thẳng tại Trung Đông lên giá dầu thế giới

Ngay sau cuộc tập kích tên lửa của Iran vào Israel, giá dầu trên thị trường toàn cầu đã đồng loạt tăng vọt. Giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 11 trên sàn giao dịch hàng hóa New York, Mỹ có lúc tăng đến 5% trước khi chốt phiên ở mức tăng 2%. Giá dầu Brent cũng ghi nhận mức tăng tương ứng.

Bà Sara Vakhshouri - Chủ tịch công ty tư vấn năng lượng SVB cho biết: "Có quá nhiều điều không chắc chắn liên quan đến cuộc xung đột. Các cơ sở vật chất thiết yếu, các cơ sở năng lượng ở Iran đều có thể trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trả đũa của Israel. Giá dầu thế giới sẽ dao động như thế nào sẽ tùy thuộc vào quy mô của cuộc tấn công và cuộc tấn công ấy sẽ khiến nguồn cung dầu của Iran tổn thất bao nhiêu. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nếu quy mô cuộc tấn công không lớn thì tác động lên giá dầu sẽ hạn chế".

Bà Sara cũng cho rằng, tác động của căng thẳng tại Trung Đông sẽ khó có thể khiến giá dầu tăng sốc hay gây ra các tác động mang tính dài hạn đối với thị trường dầu thô thế giới.

Giá dầu đã phản ứng khá thận trọng sau vụ không kích của Iran nhằm vào Israel. Có tăng nhưng thị trường đã không hoảng loạn. Song thị trường dầu mỏ được cho vẫn đang ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Giá dầu sẽ có thể tăng cao hơn nhiều nếu Israel thực hiện lời đe dọa của mình. Đó là nhắm vào cơ sở dầu mỏ của Iran để trả đũa. Ngay sau cuộc tấn công của Iran, truyền thông Israel đã dẫn lời các quan chức quân đội nước này cho biết, Israel có thể nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng chiến lược của Iran, bao gồm các cơ sở dầu hoặc hạt nhân. Israel chưa bao giờ công khai tiến hành một cuộc tấn công trực tiếp vào các cơ sở dầu mỏ của Iran.

Tuy nhiên, giới quan sát tại Trung Đông cho rằng, việc tấn công vào các mục tiêu thuộc ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran không phải là lựa chọn gì quá xa vời với Israel. Ở đây, khi nói các mục tiêu thuộc ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran thì có thể còn là cả những tàu chở dầu của Iran. Iran hiện là một trong những quốc gia có năng lực lọc dầu lớn nhất ở Trung Đông với công suất khoảng 2,4 triệu thùng/ngày và xuất khẩu khoảng 2 triệu thùng/ngày.

Không khó để thấy rằng Israel sẽ không mạo hiểm để bước vào một chiến tranh với Iran trong lúc này. Nhưng họ cũng cần có những hành động đáp trả gây tiếng vang lớn. Việc nhắm vào những mục tiêu trong ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran sẽ có thể gây ra những chấn động trên thị trường toàn cầu.

Tác động của căng thẳng tại Trung Đông lên giá dầu thế giới - Ảnh 2.

Tác động của căng thẳng tại Trung Đông sẽ khó có thể khiến giá dầu tăng sốc hay gây ra các tác động mang tính dài hạn đối với thị trường dầu thô thế giới

Lĩnh vực vận tải bị tác động mạnh từ căng thẳng Trung Đông

Biến động của thị trường dầu mỏ thế giới sẽ phụ thuộc rất lớn vào các động thái đáp trả của Israel trong thời gian tới. Bên cạnh thị trường dầu, một trong các lĩnh vực bị tác động mạnh từ căng thẳng Trung Đông chính là lĩnh vực vận tải, bao gồm cả hành khách và hàng hóa.

Trong hai ngày 1 và 2/10, các hãng hàng không toàn cầu đã hủy bỏ hầu như toàn bộ các toàn đường bay đi qua khu vực Trung Đông. Các nước láng giềng của Israel đã đóng cửa không phận để tránh rủi ro. Các hãng máy bay đã phải chọn các tuyến đường vòng xa hơn tới Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Những biến động này nếu kéo dài có thể gây tác động hết sức tiêu cực đến ngành hàng không vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề từ xung đột Nga - Ucraina.

Không chỉ với ngành hàng không mà cả các tuyến đường vận tải biển cũng có thể đối mặt với rủi ro trong trường hợp căng thẳng ở Trung Đông leo thang.

Cứ mỗi khi căng thẳng xoay quanh Iran dâng cao, một nỗi lo lại nổi lên. Đó là nguy cơ Iran sẽ phong toả eo biển Hormuz. Trong quá khứ, Iran đã nhiều lần đe doạ điều này. Tuy nhiên, khả năng eo biển Hormuz bị phong toả hoàn toàn và kéo dài lại là không cao. Bởi nếu làm vậy, Iran sẽ tự đưa mình vào thế đối đầu gần như với cả thế giới. Eo biển Hormuz, nơi 30% tổng lượng dầu thô của thế giới được vận chuyển qua, không chỉ gắn chặt với lợi ích của các nước phương Tây mà còn cả Trung Quốc hay Ấn Độ.

Eo biển Hormuz là cửa ngõ để các quốc gia Vùng Vịnh vận chuyển dầu đi ra thế giới. Nhưng bản thân Iran lại cũng đang trong xu thế hoà hoãn với các quốc gia Vùng Vịnh. Đáng lo hơn hiện nay chính lại là tại biển Đỏ. Thời gian qua, những đợt sóng căng thẳng tại biển Đỏ không rầm rộ như hồi đầu năm. Sau một thời gian, lực lượng Houthi đã cho thấy những dấu hiệu hụt hơi về năng lực quân sự, không thực sự áp đảo được các lực lượng liên quân bảo vể biển Đỏ. Nhưng sự hụt hơi của Houthi thời gian qua, được cho lại có một phần rất lớn bắt nguồn từ những cuộc vận động trong hậu trường của các nước phương Tây với Iran.

Một số nước châu Âu thời gian qua được cho đã nỗ lực kêu gọi Iran kiềm chế, đổi lấy những sự mở cửa giao thương. Nhưng khi căng thẳng đã bị đẩy lên một tầm mức khác, sẽ rất khó nói sự kiềm chế của Iran thời gian tới sẽ là như thế nào. Những hành động tới đây của Houthi cũng vì thế cũng sẽ rất khó lường.

Có thể thấy rằng, vào thời điểm hiện nay, các tác động lên nền kinh tế thế giới vẫn còn hạn chế, nhưng điều này hoàn toàn có thể thay đổi trong trường hợp cuộc xung đột lan rộng và kéo theo sự tham gia mạnh mẽ hơn từ các nước lớn trong khu vực và trên thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước