Tại sao đường cong lợi suất đảo ngược lại khiến thị trường hoảng loạn?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ bảy, ngày 17/08/2019 11:12 GMT+7

VTV.vn - Tình trạng đường cong lợi suất đảo ngược đang được các chuyên gia nhìn nhận là một tín hiệu đặc biệt đáng chú ý về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế.

Tuần qua, thị trường chứng khoán toàn cầu đã chứng kiến những biến động mạnh, sau hàng loạt diễn biến khó lường từ nền kinh tế số một thế giới là Mỹ. Trong phiên giao dịch ngày 13/08, chứng khoán Mỹ đã đồng loạt tăng điểm mạnh. Chỉ số công nghiệp Dow Jones bật tăng hơn 500 điểm sau khi Chính phủ Mỹ bất ngờ tuyên bố tạm hoãn áp thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, để người dân Mỹ không bị ảnh hưởng trong mùa mua sắm Giáng sinh. Thị trường toàn cầu cũng đồng loạt khởi sắc.

Tuy nhiên, hiệu ứng từ món quà Giáng sinh sớm của Tổng thống Trump không kéo dài lâu. Chỉ 24 giờ sau, thị trường trái phiếu Mỹ phát đi tín hiệu đáng lo ngại khi đường cong lợi suất đảo ngược, khiến phố Wall chứng kiến cú lao dốc tệ nhất trong năm 2019, trong đó, chỉ số Dow Jones mất hơn 800 điểm. Kéo theo đó là làn sóng bán tháo cổ phiếu tại hàng loạt thị trường khác trên thế giới.

Hiện tượng đường cong lợi suất trái phiếu đảo ngược là gì mà khiến các nhà đầu tư lo ngại? Sự hỗn loạn của thị trường chủ yếu bắt nguồn từ sự xuất hiện của đường cong lợi suất trái phiếu đảo ngược.

Về cơ bản, đường cong lợi suất là một đồ thị cho thấy sự khác biệt giữa khoản lợi suất bình quân mà các nhà đầu tư có được khi mua các trái phiếu ngắn hạn và dài hạn, chẳng hạn như 1 tháng, 3 tháng, 1 năm, 5 năm hay 10 năm.

Thông thường đường cong lợi suất có xu hướng đi lên, bởi thời gian đáo hạn càng dài thì rủi ro càng tăng và lợi suất cũng càng cao. Nếu như chênh lệch giữa trái phiếu dài hạn và ngắn hạn giảm xuống bằng 0, đường cong lợi suất sẽ đi ngang. Khi mức chênh lệch rơi xuống âm, đầu tư lâu hơn nhưng lợi suất được hưởng lại thấp hơn thì đường cong này sẽ bị đảo ngược. Lịch sử cho thấy đường cong lợi suất phản ánh khá chính xác cảm nhận của thị trường về nền kinh tế.

Một đường cong lợi suất dốc lên sẽ có nghĩa là nhà đầu tư lạc quan về tương lai và sẽ chuyển vốn sang các tài sản như cổ phiếu. Ngược lại, đường cong lợi suất đảo ngược là chỉ báo cho thấy nhà đầu tư lo ngại một cuộc suy thoái sắp đến và sẵn sàng đầu tư vào những tài sản an toàn như trái phiếu dài hạn, ngay cả khi chỉ được hưởng lợi suất thấp. Bởi vậy, mức chênh lệch giữa lợi suất dài hạn và ngắn hạn luôn được giới kinh tế theo dõi rất sát sao.

Những sự đảo ngược thường được chú ý nhất thời gian gần đây đó là giữa trái phiếu 10 năm với 2 năm và 10 năm với 3 tháng. Lý do là bởi những mức chênh lệch này thường được xem là chỉ báo tốt nhất để xác định khả năng suy thoái.

Điều này càng được củng cố khi trong vòng nửa thế kỷ qua, cả 5 lần Mỹ rơi vào suy thoái thì trước đó 2 mức chênh lệch nói trên đều rơi xuống âm. Đó chính là lý do để giới đầu tư trở nên đặc biệt lo ngại.

Ngay sau khi đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đảo ngược, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng công kích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Ông Trump cho rằng, chính việc cơ quan này nâng lãi suất quá nhiều, quá nhanh, nhưng rồi lại giảm quá chậm là nguyên nhân khiến đường cong lợi suất đảo ngược "một cách điên rồ". Phải chăng FED thực sự là nguyên nhân của cú đảo chiều này?

Có ý kiến cho rằng, không thể đổi lỗi hoàn toàn cho FED trong bối cảnh điều kiện thị trường thay đổi quá nhanh chóng. Thay vào đó, chính sách thương mại thất thường dưới thời Tổng thống Trump, đặc biệt là cuộc chiến thương mại dai dẳng với Trung Quốc đã góp phần đè nặng lên tâm lý của giới đầu tư, khiến họ đổ xô đi tìm kiếm các tài sản an toàn, trong đó trái phiếu dài hạn là một bến đỗ.

Bên cạnh những yếu tố nội tại còn tác động từ bên ngoài. Khi các nền kinh tế lớn trên thế giới đối mặt với vấn đề, gây ra hiệu ứng quả cầu tuyết, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ.

Theo tờ Washington Post, 9 nền kinh tế lớn trên thế giới là Đức, Anh, Italy, Mexico, Brazil, Argentina, Singapore, Hàn Quốc, Nga là những cái tên đang hoặc sắp phải đối mặt với suy thoái. Phần lớn các quốc gia này đều có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu do đó bị ảnh hưởng nặng nề từ chiến tranh thương mại.

Trong trường hợp các nền kinh tế này rơi vào khó khăn, giới đầu tư toàn cầu sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc mua vào trái phiếu kho bạc Mỹ, làm gia tăng tình trạng đường cong lợi suất đảo ngược, đồng thời khiến tâm lý hoang mang lan rộng tại nền kinh tế số 1 thế giới.

Nhiều nhà đầu tư cảm thấy hoang mang tuy nhiên cũng có chuyên gia kinh tế tin rằng, đường cong lợi suất trái phiếu đảo ngược lần này chưa chắc đã là chỉ báo chính xác cho một cuộc suy thoái kinh tế. Bởi khác với những thời điểm trong quá khứ, nền kinh tế Mỹ hiện vẫn đang ở trong tình trạng khá ổn định.

Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm xuống thấp kỷ lục Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm xuống thấp kỷ lục

VTV.vn - Ngày 7/8, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tụt xuống mức khoảng 1,6%, thấp nhất kể từ cuối năm 2016.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước