Tăng cường minh bạch, an toàn cho thị trường chứng khoán

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 08/11/2024 07:46 GMT+7

VTV.vn - Bổ sung thêm 6 hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Bổ sung thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Việt Nam trong việc thu thập thông tin để phát hiện hành vi thao túng.

Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về 1 dự án luật sửa 7 luật về lĩnh vực tài chính, bao gồm: Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Trong số 21 ý kiến thảo luận sáng 7/11, đa số các đại biểu đều nhất trí về việc sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung 1 số điều của 7 luật ở trên, để kịp thời tháo gỡ những "điểm nghẽn", khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển kinh tế trong thời gian tới. Một số nội dung nổi bật được các đại biểu quan tâm thảo luận, đó là Dự thảo Luật Chứng khoán và Luật Quản lý thuế.

Tại dự thảo Luật Chứng khoán, các đại biểu nhấn mạnh việc cần làm rõ khái niệm, định nghĩa liên quan đến việc xác định hành vi thao túng thị trường chứng khoán, khi ngày càng có những chiêu thức mới bằng phương thức hiện đại để thao túng thị trường.

Đa số các đại biểu đều nhất trí với dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, khi đã bổ sung thêm 6 hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Ngoài ra, còn bổ sung thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Việt Nam trong việc thu thập các thông tin để phát hiện ra các hành vi thao túng này.

Bà Phạm Thị Thanh Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nêu ý kiến: "Hiện nay, việc sử dụng các công nghệ thông tin hiện đại để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đang diễn ra phức tạp. Cần nghiên cứu quy định tại dự thảo luật hoặc văn bản giao Chính phủ quy định đảm bảo các quy định có khả năng bao quát được các hành vi được thực hiện bởi nhiều công cụ".

Ngoài ra, các đại biểu cũng nhất trí với đề xuất cần kiểm toán vốn điều lệ của các công ty niêm yết. Tránh trường hợp có doanh nghiệp khai khống vốn điều lệ lên gấp hàng nghìn lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Hữu Toàn - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho ý kiến: "Công ty Faros của FLC từ vốn điều lệ ban đầu là 1,5 tỷ đồng, sau 5 lần tăng vốn điều lệ trong 3 năm 2014-2016 đã tăng vốn lên 4.300 tỷ đồng. Hệ lụy rất lớn cho cả thị trường, nếu quy định có kiểm toán vốn điều lệ thì tôi cho rằng sẽ không xảy ra trường hợp như Faros và một số trường hợp khác".

Giải trình trước Quốc hội, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Việc các doanh nghiệp có thể nâng khống vốn điều lệ, là do luật doanh nghiệp quy định các doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm về nội dung này, sắp tới quy định này sẽ được sửa đổi chặt chẽ hơn.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay: "Có thể 1 doanh nghiệp thành lập ra trên tài khoản không có tiền, trụ sở không có, nhưng vẫn ghi vốn điều lệ là 10.000 tỷ, thậm chí 20.000 tỷ, không có ai kiểm tra, kiểm soát hết. Vừa rồi cũng xảy ra 1 vài vụ việc, các cơ quan quản lý cũng có kiến nghị. Phải sửa Luật Doanh nghiệp điều này, còn về phía Luật Chứng khoán chúng tôi cũng đã siết vấn đề này để đảm bảo tránh vấn đề lợi dụng trên thị trường chứng khán".

Đối với kiến nghị của các đại biểu về việc cần có tài sản đảm bảo hoặc ngân hàng thương mại bảo lãnh khi phát hành trái phiếu ra công chúng. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nếu quy định như vậy sẽ thu hẹp, ảnh hưởng thị trường chứng khoán hiện nay. Do đó, sẽ thực hiện đánh giá theo thông lệ quốc tế là xếp hạng tín nhiệm đối với phát hành ra công chúng và tăng cường thanh kiểm tra để hạn chế rủi ro.

Đề xuất sàn thương mại điện tử khấu trừ, nộp thuế thay người bán

Tăng cường minh bạch, an toàn cho thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

Bộ Tài chính đã đề xuất chính sách yêu cầu các sàn thương mại điện tử có chức năng thanh toán, thực hiện trách nhiệm khấu trừ, nộp thuế thay, khai nghĩa vụ nộp thuế thay cho cá nhân, hộ kinh doanh qua sàn.

Đối với Dự thảo Luật Quản lý thuế, để chống thất thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số, Bộ Tài chính đã đề xuất chính sách yêu cầu các sàn thương mại điện tử có chức năng thanh toán, thực hiện trách nhiệm khấu trừ, nộp thuế thay, khai nghĩa vụ nộp thuế thay cho cá nhân, hộ kinh doanh qua sàn.

Có nghĩa là thay vì từng cá nhân kinh doanh qua sàn phải tự đi kê khai, nộp thuế, thì các sàn thương mại điện tử có thể khấu trừ luôn thuế qua doanh thu. Đề xuất này được các đại biểu, chuyên gia đánh giá là phù hợp, làm giảm thiểu đầu mối kê khai thuế, góp phần cải cách thủ tục hành chính.

Hiện nay, có tới trên 97.000 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên thương mại điện tử. Nếu mỗi cá nhân này phải tự đi kê khai, nộp thuế thì sẽ mất rất nhiều thời gian cho cả đôi bên. Thế nhưng, nếu hơn 400 sàn thương mại điện tử tự động khấu trừ nộp thuế thay qua doanh thu người bán, thì đầu mối sẽ giảm đi gần 24 lần.

Ông Hoàng Văn Cường - Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng: "Những sàn thương mại điện tử khi mà có hoạt động về hàng hóa dịch vụ giao dịch trực tiếp trên sàn đó, và có doanh thu, có quản lý được người bán thì phải khấu trừ ngay thuế, chứ không phải lại để cho người bán đi kê khai nữa".

Thuận tiện là có, thế nhưng theo các chuyên gia, dự thảo luật cần quy định chi tiết về trách nhiệm, nghĩa vụ khi kê khai nộp thuế thay của các sàn đến đâu, để họ không lâm vào tình cảnh rủi ro khi khấu trừ, thiếu hay thừa thuế.

Ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng Cục Thuế chia sẻ: "Về mặt lâu dài nên để các sàn thương mại điện tử khai thay, nộp thay nhưng về phía nhà nước cũng đảm bảo pháp luật rõ ràng ra. Khai thay và nộp thay nhưng trách nhiệm và nghĩa vụ của người ta đến đây. Khi thuế thiếu, thừa, khi hàng đổi đi đổi lại".

Trước ý kiến lo ngại về việc đề xuất này có thể sẽ khiến các sàn thương mại điện tử phát sinh thêm chi phí nâng cấp hệ thống, đại diện Tổng cục Thuế cho biết: Cơ quan thuế đã làm việc với các sàn, việc xác định số thuế được khấu trừ sẽ thực hiện hoàn toàn bằng phương thức điện tử, nên sẽ không phát sinh hoặc phát sinh chi phí không đáng kể.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh - Tổng cục Thuế cho biết: "Các sàn thì cũng nắm được rất rõ thông tin của các hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh, nên tôi nghĩ câu chuyện tăng thủ tục cho sàn không phải là vấn đề đối với sàn, vì đây là những vấn đề mà sàn thương mại điện tử đã có sẵn, kể cả thông tin, cơ sở hạ tầng và dữ liệu. Vấn đề chỉ là thống nhất là thống nhất kết nối theo phương thức nào, cách thức thực hiện như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho cả cơ quan thuế và các sàn thương mại điện tử".

Ngoài ra, việc tính thuế với các cá nhân kinh doanh qua thương mại điện tử dựa trên doanh thu, chứ không phải dựa trên các mức thuế lũy tiến, do vậy sẽ đơn giản trong việc khấu trừ thuế. Để đảm bảo công bằng, các sàn thương mại điện tử nước ngoài cũng được đề xuất sẽ phải khấu trừ, nộp thuế thay người bán.

Các chuyên gia cho rằng việc các sàn thương mại điện tử tự động khấu trừ thuế qua doanh thu người bán sẽ nhanh, đầy đủ hơn. Còn nếu để hơn 31.000 cá nhân tự giác đi kê khai thì chẳng khác nào việc "thả gà ra đuổi", vì không phải ai cũng nhớ và tự giác.

Mới đây, Cục thuế và Công an TP Hà Nội đã phải khởi tố 2 vụ án liên quan đến 1 doanh nghiệp, và 1 cá nhân kinh doanh qua thương mại điện tử có doanh thu lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng lại không kê khai, nộp thuế, hoặc kê khai, nộp không đầy đủ. Rõ ràng, nếu để sàn thương mại điện tử khấu trừ luôn hộ thì có lẽ những sự việc đáng tiếc như thế này sẽ không xảy ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước