Tăng giá đất tại ngoại thành Hà Nội: Diễn biến thực của thị trường hay chiêu trò thổi giá?

Trung tâm Tin Tức VTV24-Thứ năm, ngày 04/04/2019 06:39 GMT+7

VTV.vn - 1 tháng trở lại đây, thị trường bất động sản tại Hà Nội liên tục xuất hiện các thông tin giá đất tăng mạnh tại các huyện ngoại thành. Vậy thực hư câu chuyện này là gì?

Thông tin tăng giá đất bất thường tại ngoại thành Hà Nội

Hoài Đức vốn được giới đầu tư gọi là thủ phủ của những đại dự án bỏ hoang của Hà Nội. Ngay sau khi có thông tin huyện này có đề án lên quận vào năm 2020, lập tức các môi giới ở đây cho biết, giá đất đã tăng lên tới 20%.

Tâm điểm giữa các thông tin về sốt đất phải kể đến huyện Đông Anh. Các môi giới đưa ra dẫn chứng, một lô đất năm 2018 giá khoảng 50 triệu đồng/m2 thì năm nay lên tới 70 triệu đồng/m2.

Theo môi giới đất, xã Vĩnh Ngọc - tâm điểm của bất động sản biến động tại huyên Đông Anh - thời gian qua, giá đất tăng 20-30% so với năm 2018.

Ngoài Đông Anh, Hoài Đức, tại Gia Lâm, hay vùng ven của quận Nam Từ Liêm, nơi đang triển khai một số dự án lớn, cũng xuất hiện các thông tin giá đất tăng.

Giá đất có thực sự tăng?

Dễ nhận thấy các môi giới bất động sản đang vẽ ra một bối cảnh giao dịch rất nhộn nhịp. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên VTV, dường như sốt đất đang là câu chuyện chỉ từ một phía là người bán, người môi giới. Còn người mua lại đang khá vắng bóng trên thị trường.

Huyện Đông Anh đang là nơi tập trung hàng loạt các dự án lớn như: Dự án thành phố thông minh, công viên Kim Quy… Tuy nhiên, các dự án này mới đang triển khai ở giai đoạn đầu.

Ông Trần Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội nói: "Người địa phương ít giao dịch, chủ yếu là do các tổ chức môi giới bất động sản mua bán, giao dịch".

Còn tại Hoài Đức, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện khẳng định, giao dịch đất đai có qua công chứng, có xác nhận của cơ quan chức năng chủ yếu là đất đấu giá và đất dịch vụ. Đất thương mại giao dịch chỉ dưới 10% trong tổng số giao dịch.

Đại diện của cả 2 địa phương đều khẳng định, do đang trong quá trình phát triển đô thị, giá đất tại một số vị trí đẹp, ở trung tâm có tăng, nhưng chỉ tăng nhẹ từ 5-10%. Đó là sự phát triển bình thường. Các chuyên gia cũng phân tích, chưa có cơ sở để giá đất tăng mạnh tại các khu vực này.

Rõ ràng, các phân tích đến từ chính quyền địa phương và các chuyên gia khác với những tin đồn trên thị trường. Ý kiến của các chính những nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản dưới đây sẽ làm rõ câu hỏi: Ai tung tin sốt đất và chiêu trò của họ như thế nào?

Ai tung tin sốt đất?

Giải pháp để chặn thông tin sốt đất ảo

Theo ghi nhận của phóng viên VTV tại khu đô thị hoành tráng bậc nhất tại Hoài Đức, sau 10 năm, các biệt thự đắt tiền vẫn bỏ hoang. Giá đất tại đây đã giảm gần một nửa so với thời điểm sốt nóng. Vào đỉnh điểm cơn sốt đất tại Hà Nội cách đây chục năm, giá đất tại khu đô thị này lên tới 75 triệu đồng/m2, nay giá giảm chưa tới 30 triệu đồng/m2. Nhiều nhà đầu tư ôm trái đắng, thậm chí muốn bán cũng khó thoát hàng.

Đó là hậu quả của việc giá bất động sản sốt nóng, tăng giá chóng mặt nhưng không đi kèm với sự đầu tư về hạ tầng, dịch vụ. Chính vì những bài học nhãn tiền này đã khiến nhiều nhà đầu tư bình tâm hơn, tỉnh táo hơn khi nghe thấy những thông tin sốt đất.

Các chuyên gia cho rằng, để giải quyết triệt để các cơn sốt đất ảo, vai trò cung cấp thông tin từ nhà quản lý rất quan trọng.

Đại diện Hội Môi giới Bất động sản cũng cho rằng, bất động sản tăng giá nếu có cơ sở rõ ràng và mức tăng hợp lý đó là điều tốt cho thị trường. Tuy nhiên, nếu giá đất tăng phi mã, thiếu cơ sở không chỉ gây rủi ro cho người mua, mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Nhất là khi nhiều người đầu cơ bất động sản không phải bằng tiền nhàn rỗi, mà từ vay ngân hàng, rất dễ dẫn đến các khoản nợ xấu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước