Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được ví như một "phép màu"

Hữu Long - Thùy Linh (t/h)-Thứ sáu, ngày 24/07/2020 09:33 GMT+7

Chuyên gia quốc tế ca ngợi thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam. Ảnh minh họa.

VTV.vn - Nền kinh tế Việt Nam đang trỗi dậy với triển vọng rất khả quan và câu chuyện về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được ví như một "phép màu".

Thông tin trên là nhận định của ông S D Pradhan - Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ được đăng tải trên tờ Times of India.

Theo chuyên gia này, bất chấp đại dịch, Việt Nam được dự báo là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á. Trong khi tất cả các quốc gia đang phải đối mặt với sự suy giảm kinh tế thì nhờ có thành tích chống dịch hiệu quả, kinh tế Việt Nam chịu tác động ít hơn so với hầu hết các quốc gia khác.

Chuỗi cung ứng của Việt Nam không bị ảnh hưởng, trong khi nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất đang tăng lên và sẽ tăng hơn nữa trong thời kỳ hậu COVID-19.

Chuyên gia S D Pradhan dẫn đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), cho rằng sự trỗi dậy của kinh tế Việt Nam là nhờ Việt Nam đã đẩy mạnh tự do hóa thương mại, thực hiện cải cách cũng như đầu tư mạnh vào vốn, nhân lực và vật lực, chủ yếu thông qua các khoản đầu tư công. Kinh tế Việt Nam được đánh giá đã phát triển rất nhanh và vươn lên ngưỡng thu nhập trung bình.

Đáng chú ý, năm ngoái, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là hơn 7%, cao hơn nhiều nước trong khu vực châu Á. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Standard Chartered từng dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng 7% trong thập niên 2020 và vượt mốc bình quân 10.000 USD/người vào năm 2030.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được ví như một phép màu - Ảnh 1.

Việt Nam đã nổi lên như một trong những điểm đến ưa thích của nguồn vốn FDI. Ảnh minh họa.

Theo bài viết, Việt Nam đã nổi lên như một trong những điểm đến ưa thích của nguồn vốn FDI ở Đông Nam Á, với dòng FDI đổ vào tăng hằng năm kể từ năm 2011, đạt 19,5 tỷ USD trong năm 2018, so với 17,1 tỷ USD năm 2017. Ngoài ra, mặc dù tốc độ tăng trưởng trung bình lương tối thiểu là 8,8%/năm trong giai đoạn 2015-2019, chi phí sản xuất tại Việt Nam vẫn hết sức cạnh tranh. Việt Nam có sự kết nối khu vực với các nền kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nắm giữ một vị trí chiến lược ở Biển Đông kết nối với các tuyến vận tải biển trọng yếu.

Ông S D Pradhan cũng cho biết, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp cần thiết để đối phó với khủng hoảng thương mại do đại dịch COVID-19 gây ra, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh trong nước.

Ông khẳng định thời gian tới, Việt Nam sẽ có cơ hội thúc đẩy hơn nữa các thành quả kinh tế. Nền kinh tế ổn định cộng với việc sở hữu các cơ sở cần thiết khiến Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư rất hấp dẫn. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tận dụng một số hiệp định đa phương và song phương với các nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước