Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là nội dung trong báo cáo triển vọng kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế vừa qua.
Nhìn lại những con số thống kê gần 5 tháng qua cho thấy, sức tăng trưởng này đến từ nhiều nguồn lực khác nhau. Trong đó, quan trọng là sức mạnh nội tại của nền kinh tế, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp liên tục được cải thiện.
Số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng trở lại, tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 8/2022. Điều này đã góp phần giúp cho chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI tháng 4 vượt trên ngưỡng 50 điểm và chỉ số này đã có 3 tháng liên tiếp tăng điểm.
Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng trở lại, tính chung 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tăng 15%, ước tính xuất siêu 8,4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu đến hầu hết các thị trường lớn đều phục hồi tốt và tăng trưởng cao.
Bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi nhận định tín hiệu tích cực từ các thị trường lớn như Mỹ chẳng hạn, với dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ ở ngưỡng 2,3% năm nay. Đây là thị trường tiêu thụ lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam. Vì thế, triển vọng xuất khẩu sẽ tiếp tục khả quan".
Lợi thế về thương mại góp phần củng cố vị trí của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tổng vốn FDI vào Việt Nam 4 tháng đầu năm đạt gần 9,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện tăng 7,4%. Đáng nói, nhiều địa phương đã tích cực chuẩn bị cơ sở hạ tầng để thu hút FDI chất lượng cao.
Việt Nam là nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: "Căn cứ vào các tiêu chí trên thế giới, chúng tôi định hướng các nội dung hướng dẫn doanh nghiệp đầu tư theo hướng ngày càng xanh hóa. Song song đó, chúng tôi tập trung nghiên cứu để cải tạo các khu công nghiệp hiện hữu theo hướng tuần hoàn nước, trồng thêm cây xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng".
Góp phần vào tăng trưởng kinh tế thời gian qua là giải ngân vốn đầu tư công đã đạt 17,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương với số tiền là hơn 116.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 6.000 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều dự án được thi công 3 ca 4 kíp, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nghiệm thu thanh toán định kỳ. Thậm chí, phương án linh hoạt điều chuyển vốn giữa các địa phương, dự án cũng được tính đến.
Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Luôn luôn có tình trạng nơi thiếu nơi thừa. Và nơi thừa phải điều chuyển đến nơi thiếu để giải ngân hết được đồng tiền, không được ôm tiền, giữ tiền".
Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam đưa ra ý kiến: "Việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ gia tăng chất lượng công trình hạ tầng với con số khoảng trên 27 tỷ USD được lên kế hoạch giải ngân trong năm nay. Chúng tôi đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ giải ngân trên 95% kế hoạch vốn".
Ngân hàng phát triển châu Á cũng nhận định, việc linh hoạt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và đầu tư sẽ là chìa khóa tăng trưởng trong năm 2024 của Việt Nam.
Ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính, Tiền tệ quốc gia nhận định: "Bằng cách tiếp tục thực hiện chính sách về giãn, hoãn, giảm thuế và phí, qua đó kích thích tổng cầu. Với chính sách tiền tệ, chúng ta phải làm sao ổn định mặt bằng lãi suất, kiểm soát lạm phát, bình ổn tỷ giá".
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I của Việt Nam ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước. Những chỉ đạo sát sao của Chính phủ tiếp tục giúp giữ vững đà tăng trong phần còn lại của năm nay, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm từ 6-6,5% như Nghị quyết Quốc hội đã đề ra, từng bước hiện thực hóa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025) trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!