Trước đây, mỗi năm, anh Long Văn Nghĩa chỉ làm được 2 vụ nuôi tôm ao đất nhưng khi được mùa khi lại mất mùa. Từ ngày, chuyển sang nuôi tôm ao bạt, ứng dụng công nghệ cao, anh sản xuất đến 4 vụ với sản lượng tăng cao và cho thu nhập khá tốt.
"Trước đây, 1 ha tôm nuôi ao đất thu chỉ 30 tấn/năm. Từ ngay chuyển sang nuôi công nghệ cao sản lượng tăng 200 tấn/năm. Thu nhập tăng 7-10 lần" - Anh Long Văn Nghĩa, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu cho biết.
Trong những năm qua, nhiều người dân tại Bạc Liêu đã có cuộc sống sung túc hơn nhờ chuyển sang nuôi tôm như anh Nghĩa. Sự thay đổi này cũng là kết quả bước đầu trong thực hiện chủ trương của Đảng bộ tỉnh về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy lợi thế các địa bàn ven biển.
Để con tôm trở thành sinh kế của người dân, Bạc Liêu đã nỗ lực mời gọi và tích cực đồng hành với nhà đầu tư từ giải quyết các thủ tục hành chính đến giải phóng mặt bằng. Nhờ vậy, trong thời gian ngắn, tỉnh đã thu hút được hàng chục doanh nghiệp tôm công nghệ cao.
Hiện Bạc Liệu đang đầu tư Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển ngành tôm rộng tới hơn 415 ha. Đây là nơi nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các mô hình sản xuất hiện đại từ khâu nuôi, chế biến đến xuất khẩu.
Việc ứng dụng công nghệ cao còn giúp người nuôi tôm ứng phó bền vững với biến đổi khí hậu. Nhờ phát triển đúng hướng, cơ cấu kinh tế của Bạc Liêu đã chuyển dần từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ. Thu nhập người dân đến nay đã đạt tới hơn 66 triệu đồng/1 người/1 năm, tăng gấp hai lần so với đầu nhiệm kỳ.
Kết quả này cũng chính là động lực để nhiệm kỳ tới đây, Đảng bộ Bạc Liêu tiếp tục quyết tâm vươn xa hơn với vị thế là thủ phủ của ngành tôm cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!