Tạo thương hiệu gạo ổn định để mở rộng thị trường xuất khẩu

Thúy Lan-Thứ tư, ngày 31/08/2022 17:03 GMT+7

VTV.vn - Bộ Công Thương cho rằng, để mở rộng thị trường xuất khẩu cần tạo thương hiệu gạo ổn định hơn.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu gạo 8 tháng qua đạt 2,3 tỷ USD, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ.

Báo cáo mới của hãng nghiên cứu thị trường Research And Markets (Hoa Kỳ) nhận định, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định từ nay đến năm 2031, xuất phát từ việc Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, tập trung nâng cao chất lượng hạt gạo xuất khẩu. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do cũng tạo điều kiện thuận lợi cho gạo Việt ra thế giới.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để phục vụ xuất khẩu. Các doanh nghiệp đánh giá đây là chỉ đạo kịp thời, phù hợp với chiến lược tiếp tục tái cơ cấu ngành gạo đến năm 2030 theo hướng giảm sản lượng, tăng giá trị.

Tạo thương hiệu gạo ổn định để mở rộng thị trường xuất khẩu - Ảnh 1.

Giá trị xuất khẩu gạo 8 tháng qua đạt 2,3 tỷ USD, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Khu vực ĐBSCL chiếm tới 95% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, nhưng theo các doanh nghiệp, về cơ cấu giống, chất lượng gạo, sản xuất an toàn thực phẩm vẫn chưa ổn định. Vì vậy việc xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao là hết sức cần thiết để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới và nâng cao khả năng cạnh tranh về giá của gạo Việt.

"Nâng cao chất lượng và giá trị của gạo Việt Nam là định hướng hoàn toàn cần thiết, rất phù hợp với xu của thời đại. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp xây dựng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL để phục vụ xuất khẩu. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển định hướng gạo Việt Nam", ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết.

Dựa trên xu hướng sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính, dựa trên nhu cầu thị trường, xu hướng của người tiêu dùng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục kiên định mục tiêu tái cơ cấu ngành lúa gạo.

"Chúng ta tăng cường giá trị xuất khẩu gạo bằng những loại gạo có thương hiệu, đặc sản, gạo thơm, gạo chất lượng cao, song song với việc chúng ta có hướng đầu tư để tận dụng chế biến sâu gạo cũng như phế, phụ phẩm từ gạo để nâng cao hiệu quả sản xuất", ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho hay.

Ngoài ra, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, để mở rộng thị trường xuất khẩu cần tạo thương hiệu gạo ổn định hơn. Thậm chí chất lượng gạo phải phù hợp với từng khẩu vị người tiêu dùng của từng thị trường.

"Các sản phẩm gạo đó được đón nhận như thế nào ở các thị trường khác nhau, chúng ta cần phải nghiên cứu làm sao để khuếch trương được thương hiệu. Thị trường nào chúng ta thấy chưa phù hợp thì cần tiếp tục nghiên cứu để tìm ra loại gạo phù hợp với khẩu vị của người địa phương", ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nói.

Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần luôn đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do.

Xuất khẩu gạo 8 tháng ổn định Xuất khẩu gạo 8 tháng ổn định

VTV.vn - Để duy trì chất lượng, ngành gạo nỗ lực xây dựng những vùng nguyên liệu đảm bảo an toàn thực phẩm, tập trung chế biến với 80% dòng gạo thơm, hữu cơ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước