Liên quan đến xuất khẩu nông sản, tại Sơn La, sau xoài tượng da xanh, nhãn, chanh leo là nông sản thứ 3 xuất khẩu trong năm nay. Sau 2 chuyến xuất khẩu sang Pháp và Thụy Sỹ, chanh leo Mộc Châu đã được đón nhận tích cực. Một cơ hội mới trong phát triển nông nghiệp vùng Tây Bắc theo hướng nâng cao giá trị cũng đang được mở ra khi một nhà máy chế biến đã được khởi công.
Những kết quả đạt được của việc sản xuất và xuất khẩu chanh leo đã được Bộ NN&PTNT, địa phương và DN đánh giá là nhanh và vững chắc khi các bên mới chỉ bắt tay làm trong một năm. Đại diện đối tác nhập khẩu chanh leo tại Thụy Sỹ cũng cho rằng, đây là một thế mạnh mới khi chanh leo Việt Nam hiện không có đối thủ cạnh tranh về chất lượng và hương vị.
Với việc đạt chứng chỉ Global Gap, mục tiêu xuất khẩu trên 1000 tấn quả tươi vào châu Âu những năm tới là không khó. Quyết định khởi công một nhà máy chế biến với công suất 120 tấn rau củ quả/năm của Nafood trên địa bàn Mộc Châu đã mở ra cho khu vực Tây Bắc một hướng phát triển mới.
Từ vùng chanh leo 20 ha đạt chuẩn Global Gap đầu tiên, tỉnh Sơn La sẽ có kế hoạch nhân rộng. Bên cạnh đó, hướng sản xuất hữu cơ cũng sẽ được khởi động tại mỗi huyện vào 2018. Như vậy, sau Nghệ An, Gia Lai, Long An, Sơn La sẽ là địa phương tiếp theo có chuỗi giá trị khép kín về chanh leo từ giống cho đến sản xuất và chế biến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!