Lao động lo phải "nghỉ Tết sớm"
Tết đang đến gần. Như lẽ thường mọi năm, nhiều người đang phải lo lắng: phải tăng ca, phải nghỉ Tết, về với gia đình muộn. Thế nhưng năm nay, nhiều công nhân, người lao động lại có một nỗi lo, đó là phải nghỉ Tết sớm. Do bị giảm đơn hàng, một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã phải giảm giờ làm, hoặc chấm dứt hợp đồng của người lao động.
Những ngày này, sự vắng vẻ lại là nguồn động viên khó tả với bà Lỗ Thị Tuất, huyện Mê Linh, Hà Nội. Bởi như thế nghĩa là con cháu có việc để đi làm, thay vì đợi chờ công ty gọi tên.
"Thi thoảng được nghỉ vài buổi, thi thoảng lại đi làm vài buổi. Bây giờ kiếm việc chả kiếm được việc gì, ruộng đồng thì bỏ, xây dựng thì cuối năm ai cất móng cất nhà nữa. Cũng động viên các cháu năm nay ít việc thì làm được đến đâu thì nghỉ chứ biết làm thế nào được" - bà Tuất giãi bày.
Lỗ Thị Tuất (huyện Mê Linh, Hà Nội)
Không trông chờ thưởng Tết, anh Nguyễn Minh Trường - tỉnh Thanh Hóa, giờ đây chỉ mong muốn được đi làm đầy đủ và tăng ca.
"Xác định rời xa quê hương thì ai cũng muốn là có một cái mức lương nó ổn định và đồng thời có thu nhập vì cận kề Tết rồi. Làm công ty chỉ mong thứ 7, Chủ nhật được đi làm vì chế độ khác ngày thường. Nhưng vào thời điểm này thì đơn hàng ít, thứ 7, Chủ nhật lại phải nghỉ" - anh Trường chia sẻ.
Không trông chờ thưởng Tết, anh Nguyễn Minh Trường giờ đây chỉ mong muốn được đi làm đầy đủ và tăng ca.
Thu nhập không đủ sống, không ít người lao động tìm cách tăng ca ngoài doanh nghiệp. Bởi nếu dễ dàng buông tay thì khó có thể chèo lái khi cơn sóng cắt giảm nhân sự có thể ập tới bất cứ lúc nào.
Chị Kiều Thị Mận - Thợ may cho biết: "Ở đây thì làm 8 tiếng rưỡi về nhà cũng làm thêm 2,3 tiếng. Cố gắng sắp xếp công việc ở nhà để làm thêm, dù không được nhiều nhưng cũng có đồng ra đồng vào".
Chị Phan Thị Hoài - Nhân viên kinh doanh chia sẻ: "Năm nay để chốt một đơn hàng thì rất phải nỗ lực. Nghỉ việc tôi nghĩ là một quyết định liều lĩnh. Nếu đã khó khăn thì doanh nghiệp nào cũng có khó khăn, chưa chắc nghỉ đã tìm được một doanh nghiệp mới tốt hơn".
Giờ đây, ngày càng nhiều người sợ Tết, sợ không có nổi bộ đồ mới, sợ những cuộc trở về không hoa quả, bánh mứt. Và sợ khi quay lại, công việc cũng không còn.
Doanh nghiệp lo giữ chân người lao động
Trước bối cảnh xung đột Nga - Ukraine kéo dài, lạm phát duy trì ở mức cao, xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ ở nhiều quốc gia dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, do thiếu nguyên liệu đầu vào và giảm đơn hàng.
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thống kê đến cuối tháng 11 đã cho thấy: có hơn 1.200 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh, phải cắt giảm lao động. Số lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới việc làm là trên 472.000 lao động, chiếm 64,54% tổng số lao động tại các doanh nghiệp. Các chuyên gia dự báo, tình hình việc làm này của công nhân, người lao động ở một số doanh nghiệp - có thể bị ảnh hưởng đến hết quý 1 năm 2023.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp đang xoay sở nhiều cách, để duy trì hoạt động của các phân xưởng, làm sao giúp người lao động vẫn có việc làm và lương thưởng trong những ngày cận kề năm mới. Tìm giải pháp để có thêm đơn hàng, ổn định thu nhập, bảo đảm chế độ phúc lợi... là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu hiện nay của nhiều doanh nghiệp.
Đối diện với mức doanh thu có thể sụt giảm từ 30 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái, không ít các doanh nghiệp đang phải gồng mình để giữ việc làm cũng như lương thưởng cho người lao động. Nhiều nơi xác định đánh đổi lợi nhuận, thậm chí coi đây là giai đoạn làm lại từ đầu.
Chị Vũ Thị Thanh Hương - Nhân viên tư vấn chia sẻ: "Mình sẽ không vì một giai đoạn khó khăn nhất thời mà từ bỏ công ty, công việc. Lương thưởng đúng là một món quá tinh thần không thể thiếu nhưng không thể vì nó mà mình bỏ công việc bao nhiêu năm của mình".
Hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác như dệt may, điện tử… cũng đang trải qua những khó khăn tương tự khi đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh, và đang nỗ lực áp dụng các giải pháp giãn việc, bố trí luân phiên để giữ việc cho người lao động.
Theo công đoàn cơ sở, một số doanh nghiệp đã công bố thưởng Tết và khẳng định sẽ duy trì tháng lương thứ 13 để giữ chân người lao động.
Sẵn sàng "lấy lỗ làm lời", nhiều doanh nghiệp hy vọng khi tình hình kinh tế thế giới sáng sủa hơn, các đơn hàng có lại dồi dào. Doanh nghiệp sẽ không phải chạy đôn chạy đáo tuyển dụng lao động, nhất là lao động có tay nghề, nhiều năm gắn bó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!