Kinh tế tuần hoàn - Những “bước chân” đầu tiên
Hơn 10 tỷ USD là thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam mỗi năm do ô nhiễm không khí gây ra, tương ứng gần 5% GDP nước ta. Đây là kết quả nghiên cứu mà Đại học Kinh tế Quốc dân công bố. Con số này phần nào minh chứng tác hại của mô hình kinh tế tuyến tính chỉ chú trọng khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ.
Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã rất khác. Yêu cầu tăng trưởng xanh, bền vững ngày càng được nhiều quốc gia đặt ưu tiên, trong đó có Việt Nam. Các thị trường khó tính đã đặt ra các tiêu chuẩn xanh cho sản phẩm nhập khẩu. Còn tại nước ta, quy định tăng trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất (EPR) đã trở thành bắt buộc từ đầu năm nay, buộc các doanh nghiệp phải có lộ trình chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn - mô hình kinh tế mà tận dụng tối đa chất thải của ngành này để làm đầu vào nguyên liệu của ngành khác. Từ đó giảm phát thải, tiết kiệm tài nguyên. Những năm gần đây, các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đã được nỗ lực triển khai và bước đầu cho ra kết quả cụ thể.
Vỏ trứng gà, thức ăn thừa hay rau củ thừa đối với nhiều người là rác thải sinh hoạt và thường bỏ đi. Nhưng ở trang trại này, chúng trở thành món khoái khẩu cho ấu trùng ruồi lính đen. Sau đó, những ấu trùng này lại trở thành thức ăn cho gà. Con gà lại đẻ ra trứng để cung cấp cho nhà máy sản xuất bánh kẹo. Mô hình tuần hoàn góp phần xử lý một lượng lớn rác thải hữu cơ.
Gần 5 năm, những chiếc bàn từ vật liệu tái chế xuất hiện nhiều tại Việt Nam cũng là hơn 5 năm, những buổi họp bàn tròn để thảo luận hợp tác thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn diễn ra ngày càng nhiều. Vì mục tiêu chung là tăng tỷ lệ tái chế, lần đầu tiên người ta thấy những đối thủ "khét tiếng" trên thương trường nay trở thành đối tác trong các liên minh tái chế.
Với tư duy "không đi một mình" một chai nhựa sau tiêu thụ giờ đã có thể khép vòng tuần hoàn sản xuất tái chế ngay tại Việt Nam.
Ông Vinay Bhardwaj - Tổng Giám đốc công ty Indorama Ventures Việt Nam chia sẻ: “Trong tương lai gần, với một thị trường đang phát triển như Việt Nam, chúng tôi cũng đang tìm kiếm thêm các vật liệu có tiềm năng để tái chế, làm sao đáp ứng nhu cầu sử dụng loại vật liệu đó để tạo ra nhựa tái chế của các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng lớn, tối ưu hóa được vai trò cùng với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị là cách mà chúng ta có thể sử dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành nhựa”.
Để các vòng tuần hoàn chuyển động luôn có sự dẫn dắt từ chính sách, các chuỗi sản xuất tái chế tăng được sản lượng, chất lượng khi quy định bắt buộc trách nhiệm tái chế của doanh nghiệp sản xuất EPR có hiệu lực từ đầu năm nay.
Sản lượng bao bì được tái chế trong riêng Liên minh Tái chế Bao bì PRO Việt Nam đã liên tục tăng. Năm nay dự kiến sẽ tiếp tục tăng gấp 4 lần so với năm ngoái.
Tại nước ta, quy định tăng trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất (EPR) đã trở thành bắt buộc từ đầu năm nay
Thách thức của kinh tế tuần hoàn
Có rất nhiều điểm chung để ví việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp, giống như hoàn thành một bài dự thi cấp bằng lái xe. Bởi vô tình một cách nào đó, sa hình số 8 rất giống với biểu tượng của kinh tế tuần hoàn. Vì với biểu tượng vòng tròn vô cực, nền kinh tế tuần hoàn là vòng tròn khép kín, không có điểm đầu và cũng không có điểm kết thúc. Nghĩa là mọi thứ đều là đầu vào của thứ khác thông qua tái sử dụng và tái tạo tài nguyên vật liệu.
Để tham gia bài thi này, điều đầu tiên là phải có một chiếc xe. Xe ở đây chính là công nghệ, chính là phương tiện để các doanh nghiệp có thể tham gia thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn.
Nếu theo cách ví von này, hiện tại, số lượng phương tiện ở Việt Nam tham gia được vào hành trình tuần hoàn vẫn còn rất ít. Theo một thống kê quốc tế, đến năm 2022, tỷ lệ tuần hoàn ở nước ta chỉ đạt chưa tới 5%.
Không có nhiên liệu thì cũng không chạy được và nhiên liệu ở đây chính là vốn. Năm 2023, tỷ lệ cho vay chuyển đổi xanh chỉ chiếm khoảng 4-5% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế.
Ông Đặng Triệu Hòa - Tổng Giám đốc Công ty Sợi Thế Kỷ tâm sự: "Hành trình thực hiện kinh tế tuần hoàn có nhiều trở ngại phải vượt qua. Hai điểm mấu chốt phải thực hiện, một là về công nghệ và giải pháp như thế nào để sử dụng lại những phế phẩm, phế liệu như chai nước đã qua sử dụng, các tái chế không chỉ từ chai mà từ quần áo chúng ta đã qua sử dụng. Hoặc nhiều vật liệu khác để có những công nghệ khác nhau mới làm được. Đó là một thách thức lớn. Hệ thống thu gom hiện nay nhìn chung chưa có hoàn toàn tối ưu hoá cho ngành sử dụng tái chế lại phế phẩm vì trong hệ thống thu gom vẫn lẫn lộn rất nhiều vật liệu”.
Để hoàn thành bài thi này, người lái phải có kỹ năng tốt. Kĩ năng ở đây chính là kỹ năng quản lý, vận hành của các doanh nghiệp khi tham gia vào mô hình kinh tế tuần hoàn. Không được nhanh quá, không được chậm quá mà quan trọng phải chắc tay lái để tạo sự cân bằng, đó cũng là cảm nhận của nhiều doanh nghiệp khi tham gia vào cuộc chơi này. Một cuộc chơi mà nếu các doanh nghiệp không có đủ ý chí, năng lực và kỹ năng thì sẽ rất khó khăn.
Theo khảo sát gần đây nhất, hơn 60% các doanh nghiệp cho biết, họ "chưa chuẩn bị gì" cho việc chuyển đổi xanh. Và vì thế, cuộc chơi này cần có thêm một từ khóa rất quan trọng. Đó là chính sách, được ví như Người giám sát thi, với vai trò hỗ trợ và bảo đảm bài thi diễn ra hợp lệ. Tại Việt Nam, Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường xây dựng các Nghị định và Dự thảo với những khung chính sách rõ ràng và cụ thể hơn cho việc thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Thực tế, các chính sách đã giúp thúc đẩy tốt hơn các mô hình kinh tế tuần hoàn. Và khi nhìn thấy sự cam kết và quyết tâm từ Nhà nước, về phía các doanh nghiệp, họ cũng có những cách làm chủ động, sáng tạo để có thể kiên định với việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!