Lần đầu tiên doanh nghiệp xã hội được công nhận về mặt pháp lý, đó là trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2014. Cụ thể, doanh nghiệp xã hội được hiểu là những doanh nghiệp hoạt động không vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận; mục đích hoạt động là giải quyết một vấn đề xã hội; phần lớn lợi nhuận thu được dùng để phục vụ mục tiêu xã hội và môi trường. Điều này đã tạo ra cơ hội phát triển không nhỏ cho doanh nghiệp xã hội.
Bà Phạm Thu Hằng - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI nhấn mạnh: "Điều này hỗ trợ các doanh nghiệp khung pháp lý, điều kiện phát triển thuận lợi. Đặc biệt trong luật quy định những ưu đãi , thủ tục để trên cơ sở đó các doanh nghiệp khi đăng ký thành lập, khởi nghiệp hay hoạt động sẽ được sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Cơ hội được mở ra, cùng với đó là những thách thức".
Tại hội thảo, các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế đã cùng thảo luận, nhận định về những thách thức này. Đó là vấn đề vốn, chất lượng sản phẩm và thị trường đầu ra. Các doanh nghiệp xã hội sẽ phát triển thành một xu hướng tất yếu, có sự lan tỏa và lớn mạnh trong tương lai gần. Sự phát triển của các doanh nghiệp này sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội theo hướng văn minh, tiến bộ, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!