Vào giữa tháng 11, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được ký kết. Khi đi vào thực thi, với khoảng 2,2 tỷ người, RCEP tạo ra một thị trường xuất khẩu quy mô bên cạnh CPTPP hay EVFTA. Tuy nhiên, với một loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có từ trước, việc thêm RCEP có giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, hay sẽ rơi vào "hiệu ứng tô mì"?.
Trong thương mại quốc tế có một thuật ngữ gọi là "hiệu ứng tô mỳ" thể hiện rằng một quốc gia tham gia càng nhiều FTA nhưng mối quan hệ thương mại với các FTA khác lại giảm đi. Mỗi một sợi mỳ tượng trưng cho một FTA, mỗi FTA có chính sách thuế riêng và cùng với đó là một quy tắc nguồn gốc xuất xứ khác nhau. Số lượng FTA tăng lên nhanh chóng quy tắc nguồn gốc cũng tăng như vậy và chồng lấn lên nhau.
Tỷ lệ hiệu quả sử dụng ưu đãi FTA của Việt Nam giảm từ 39% năm 2018 xuống còn 37% năm 2019.
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, tỷ lệ hiệu quả sử dụng ưu đãi FTA của Việt Nam giảm từ 39% năm 2018 xuống còn 37% năm 2019. Tham gia RCEP thực ra không tạo thêm đối tác FTA mới vì trước đó Việt Nam đã có riêng FTA với Hàn Quốc và Nhật Bản, có FTA với Trung Quốc, New Zealand, Australia thông qua ASEAN.
"Theo chiều dọc, khi có nhiều khuôn khổ pháp lý điều chỉnh quan hệ 2 nước thì doanh nghiệp sẽ phải tính toán nhiều hơn trong việc sử dụng loại hình C/O nào có được thuận lợi nhất mà FTA mang lại. Việc tham gia RCEP làm phức tạp thêm hiệu ứng tô mì", PGS.TS Từ Thúy Anh - Trưởng khoa Kinh tế quốc tế, Đại học Ngoại Thương nói.
Tuy nhiên, nhìn theo chiều ngang, RCEP lại giúp giảm đi "hiệu ứng tô mì". ASEAN hiện có 6 hiệp định ASEAN+1 với các đối tác. Trừ Ấn Độ, RCEP thực chất là hài hòa hóa 5 Hiệp định ASEAN+1, làm đơn giản hóa các thủ tục quy tắc vào một hiệp định duy nhất, thay vì 5 quy tắc xuất xứ của 5 FTA.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong cuộc chơi FTA thế hệ mới, cần tăng cường hiểu biết của các doanh nghiệp về FTA theo ngành hàng cụ thể. Ảnh minh họa.
Theo các chuyên gia, để hỗ trợ doanh nghiệp trong cuộc chơi FTA thế hệ mới, cần tăng cường hiểu biết của các doanh nghiệp về FTA theo ngành hàng cụ thể, giảm chi phí không chính thức khi xin giấy chứng nhận xuất xứ C/O.
PGS.TS Từ Thúy Anh cho biết: "Câu chuyện đầu tiên là chúng ta cần hỗ trợ doanh nghiệp khi họ cần các chứng nhận xuất xứ, cũng như tăng cường cơ chế tăng nguyên vật liệu trên thị trường nội địa để giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ thỏa mãn yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!