Tham tán Thương mại cần phát huy vai trò cầu nối

Nguyễn Trung-Thứ tư, ngày 18/12/2013 23:01 GMT+7

Không chỉ là cầu nối giữa các doanh nghiệp và thị trường trong nước với nước ngoài, mà tham tán thương mại cần đẩy mạnh vai trò tư vấn chính sách về xuất khẩu cho Chính phủ và Bộ Công Thương.

Đó là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Thương vụ, Tham tán Thương mại năm 2013 do Bộ Công Thương tổ chức.

Theo Bộ Công Thương, năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt khoảng 132 tỷ USD cao hơn 6,6% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên thị trường của gần 200 nước và vùng lãnh thổ. Các thị trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Brazil...

Nhiều dự án FDI lớn tại Việt Nam, nhiều vụ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trong nước tại nước ngoài đều nhận được sự hỗ trợ tích cực của hệ thống tham tán thương mại và thương vụ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Phần lớn các dự án thông qua đại diện Tham tán và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Thứ nhất là kết nối nhu cầu phía bạn với nhu cầu trong nước, thứ hai là giới thiệu những quy định pháp lý có liên quan về trình tự thủ tục để một dự án đầu tư nước ngoài có thể vào được Việt Nam”.

Khẳng định vai trò của Tham tán thương mại, ông Đào Trần Nhân, Tham tán Công sứ, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ nói: “Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã sát cánh cùng các DN, cùng các luật sư tranh tụng pháp lý chống lại những rào cản, chống lại những vụ kiện về chống bán phá giá, trợ cấp. Cụ thể, năm 2013 chúng ta đã thắng lợi trong vụ kiện tôm”.

Tuy nhiên, hoạt động của hệ thống Tham tán thương mại và Thương vụ vẫn còn nhiều hạn chế, kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam vào một số thị trường còn thấp so với nhu cầu và tiềm năng. Một số cơ quan đại diện của Việt Nam ở nhiều nước không nắm rõ số lượng các dự án FDI, các khó khăn thuận lợi của nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều trường hợp thông tin của doanh nghiệp trong nước và đối tác nước ngoài chưa được thương vụ cung cấp kịp thời cho hai phía.

Ông Thân Đức Việt, Giám đốc điều hành - Tổng Công ty May 10 nêu ví dụ: “Khi chúng tôi có những nhu cầu liên quan đến giải quyết pháp lý, hủy hợp đồng hoặc liên quan đến vấn đề tài chính của các đối tác, nhiều khi qua mail, Internet thì không hiệu quả, chính vì vậy chúng tôi rất cần sự hỗ trợ thông tin của các thương vụ”.

Đồng tình với các ý kiến đã nêu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: “Tham tán thương mại là cánh tay nối dài của ngành công thương ở ngoài nước, phải là người nắm bắt kịp thời, chính xác, khách quan những thông tin liên quan đến cơ chế chính sách, những ứng phó của nước sở tại trong hoạt động thương mại. Phát hiện những vấn đề phát sinh có thể nó ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam để kịp thời báo cho trong nước biết để ứng phó cho phù hợp”.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, năm 2014 kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, vì vậy toàn ngành Công Thương cần phải nỗ lực hơn nữa để mở rộng thị trường nước ngoài, giúp các doanh nghiệp trong nước tiêu thụ sản phẩm, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước