Mặc dù Luật Đất đai sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2025 nhưng có hai điều của Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4. Đó là các Điều 190 và 248. Trong đó, Điều 248 quy định về nguyên tắc, căn cứ giao rừng, không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ các dự án thuộc các nhóm: dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh; dự án cấp thiết khác theo tiêu chí do Chính phủ quy định.
Với nhiều điểm mới, Luật Đất đai sửa đổi đang được người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp chờ đón, với kỳ vọng sẽ khai thác tốt hơn nguồn lực về đất đai. Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều năm thực hiện cánh đồng lớn, một doanh nghiệp liên kết sản xuất hàng chục ngàn ha với hàng chục ngàn nông hộ nhỏ lẻ. Bởi vậy khi Luật Đất đai sửa đổi cho phép mở rộng hạn điền, vướng mắc lớn nhất của đơn vị đã được tháo gỡ. Nhờ đó, sản xuất hàng hóa lớn chắc chắn sẽ thuận lợi hơn.
Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, Cần Thơ cho biết: "Mở rộng hạn điền là điều kiện phát triển kinh tế rất lớn. Chúng ta có thể xây dựng những cánh đồng liên kết cho trái cây, thủy sản và cả lúa gạo. Đây chính là cơ hội phát triển kinh tế lớn ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung".
Với hàng loạt điểm mới, người dân và doanh nghiệp nông nghiệp ĐBSCL như được cởi trói. Không chỉ mở rộng hạn điền, quy định đất kết hợp sử dụng đa mục đích, chuyển đổi đất nông nghiệp góp phần tích tụ đất đai cho sản xuất. Quyền cho thuê, liên doanh liên kết, nhận chuyển nhượng đất trồng lúa cũng cởi mở hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long nhận định: "Doanh nghiệp đang đón nhận hồ hởi những tích hiệu tích cực của luật đất đai. Những chuyển biến, thay đổi tích cực của luật đất đai sẽ giúp cho cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế có điều kiện phát triển mở rộng lớn hơn".
Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ phân mảnh đất đai cao nhất so với khu vực và thế giới. Sau mỗi chu kỳ hai chục năm, tình trạng phân mảnh tăng gấp đôi. Sự phân mảnh còn dẫn đến tình trạng lãng phí đất đai. Luật Đất đai sửa đổi là giải pháp tháo gỡ rào cản sử dụng đất nông nghiệp manh mún, giúp nông sản Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!