Thị trường chứng khoán vẫn là "vùng trũng" thu hút dòng tiền

TTXVN-Chủ nhật, ngày 06/06/2021 10:25 GMT+7

Ảnh minh họa: Người đưa tin

VTV.vn - Dòng tiền "ào ạt" chảy vào thị trường chứng khoán trong tháng 5 và những phiên đầu tháng 6 giúp chỉ số liên tục "xô đổ" các kỷ lục được lập trước đó.

Số tài khoản mở mới và thanh khoản thị trường đều đạt mức cao nhất lịch sử, khiến hệ thống giao dịch không đáp ứng được và tình trạng nghẽn lệnh tái diễn trầm trọng. Dù vậy, nhà đầu tư vẫn rất hào hứng và thanh khoản chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giới chuyên gia nhận định, thị trường chứng khoán vẫn là "vùng trũng" để thu hút dòng tiền trong thời gian tới. Trước những diễn biến này, cơ quan quản lý cũng đang thực hiện quyết liệt các giải pháp cả trong ngắn và dài hạn để đáp ứng yêu cầu thị trường.

Dòng tiền "F0" dẫn dắt xu hướng?

*Khối ngoại chỉ còn đóng góp 8,7% thanh khoảnTheo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán đạt 21.214 tỷ đồng/phiên, tăng 185,9% so với bình quân năm trước.

Tính đến cuối tháng 5/2021, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.440 nghìn tỷ đồng, tăng 21,7% so với cuối năm 2020, tương đương 102,3% GDP.

Dòng tiền vào thị trường chứng khoán bằng nhiều kênh khác nhau và chủ yếu đến từ nhà đầu tư trong nước. Thực tế, thị trường chứng khoán hấp dẫn đã thu hút sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư "F0" (thuật ngữ "F0" được giới đầu tư đặt cho các nhà đầu tư mới tham gia thị trường từ năm 2020 - năm dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát).

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, năm 2020 có tới 393.659 tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước được mở mới, cao gần gấp đôi so với năm 2019.

Không dừng lại ở đó, chỉ 5 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới 480.490 tài khoản chứng khoán, tăng hơn 20% số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020.

Tới cuối tháng 5, số tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam ở mức hơn 3,25 triệu tài khoản, tương đương 3,2% tổng dân số.

Dòng tiền mới chảy mạnh vào thị trường giúp thanh khoản đạt đến tỷ USD mỗi phiên. Trong khi hệ thống giao dịch không thể đáp ứng được khối lượng thanh khoản lớn như vậy nên nghẽn lệnh lại tái diễn.

Ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết, sàn HOSE bắt đầu bị quá tải vào giữa tháng 12/2020, khi thanh khoản chạm ngưỡng 15.000 tỷ đồng, thanh khoản bình quân mỗi phiên của tháng 12 là khoảng 12.700 tỷ đồng.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, giao dịch bình quân mỗi phiên lên đến 16.700 tỷ đồng. Riêng tháng 5/2021, con số này là 22.400 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với bình quân của tháng 12/2020, tình trạng nghẽn lệnh bắt đầu xảy ra.

Chỉ trong sáng ngày 1/6/2021, giá trị giao dịch trên HOSE vượt 21.700 tỷ đồng -con số kỷ lục của một phiên giao dịch buổi sáng.

Thanh khoản tăng nhanh trong bối cảnh hệ thống đang trong tình trạng quá tải, lại thêm tình trạng số lượng lệnh tăng đột biến khiến hệ thống đã phát tín hiệu báo động và HOSE đã phải ngừng giao dịch phiên chiều 1/6.

Sau phiên 1/6, nhằm đảm bảo hoạt động giao dịch chung được thông suốt, hàng loạt công ty chứng khoán thông báo tạm dừng tính năng sửa, hủy lệnh sàn HOSE. Nhờ vậy, thanh khoản lại tiếp tục lập kỷ lục mới. Chốt phiên 4/6 thanh khoản toàn thị trường đạt 38.587,34 tỷ đồng; trong đó, giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE đạt 29.179,98 tỷ đồng.

Trước diễn biến tăng mạnh của thanh khoản, ông Phạm Hồng Sơn, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, việc đảm bảo hệ thống giao dịch của HOSE vận hành an toàn, suôn sẻ là nhiệm vụ ưu tiên của cơ quan quản lý.

"Trước mắt, phải đưa bằng được hệ thống do FPT xây dựng vào sử dụng cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 này song song triển khai hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường KRX để giải quyết dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh tại HOSE", ông Sơn nói.

Theo giới chuyên gia, nếu giải quyết được nghẽn lệnh trên thị trường chứng khoán, có thể giúp thị trường thu hút thêm dòng tiền hơn nữa.

Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng, dòng tiền của các cá nhân và tổ chức trong nước đã là động lực chính cho sự phát triển của thị trường chứng khoán trong thời gian qua.

Hiện tại, dòng tiền của các nhà đầu tư mới đang thực sự đóng vai trò dẫn dắt xu hướng chung của thị trường chứ không phải là khối ngoại như trước đây. Một bộ phận lớn dòng tiền mới trên thị trường là hệ quả của sự dịch chuyển dòng vốn từ kênh tiết kiệm sang đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, khả năng cao là lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp và nếu có tăng thì sẽ tăng nhẹ. Năm nay, dòng tiền sẽ vẫn vào thị trường chứng khoán chứ chưa thể đi vào kênh nào khác, trừ khi quý III và quý IV, tình hình thanh khoản thị trường bất động sản tích cực trở lại có thể là kênh "hút" tiền.

Ông Minh cho rằng, lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường nhiều khả năng sẽ còn gia tăng trên thị trường chứng khoán, có nghĩa là dòng tiền từ kênh bất động sản và dòng tiền từ các kênh khác hiện nay đang chảy vào "chỗ trũng" là thị trường chứng khoán. Đây là một trong những yếu tố để hỗ trợ cho thị trường tăng giá.

Cẩn trọng quyết định đầu tư

Trái ngược với sự gia tăng mạnh mẽ của nhà đầu tư trong nước, giao dịch của khối ngoại luôn nằm trong xu hướng bán ròng. Trong 5 tháng đầu năm nay, khối ngoại đã bàn ròng gần 31.000 tỷ đồng cổ phiếu, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt - TVSI, trước đây, khối ngoại đóng góp khoảng 20% thanh khoản toàn thị trường nên giao dịch của nhóm này thường sẽ tác động lớn tới biến động của chỉ số. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, sức ảnh hưởng của khối ngoại đã sụt giảm đáng kể. Trong năm 2020, mức đóng góp trung bình của khối ngoại vào thanh khoản hàng tháng chỉ ở mức 12,4% và tiếp tục giảm xuống chỉ còn 8,7% trong 5 tháng đầu năm 2021.

Theo thống kê, hiện khối ngoại đang tập trung bán khá lớn ở một vài cổ phiếu như HPG, VNM, CTG, VPB, VCB với giá trị 24,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 80% tổng giá trị bán ròng.

Ngoài ra,theo ông Nam, nguyên nhân bán ròng mạnh cũng đến từ các yếu tố khác như: lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng trở lại thúc đẩy dòng tiền rút ra khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam; các thị trường khác có chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh tay hơn Việt Nam giúp thị trường chứng khoán tăng tốt hơn, do đó nhiều quỹ sẽ thực hiện lại việc cơ cấu danh mục giữa các quốc gia.

Bên cạnh đó, từ khi tạo đáy cuối tháng 3, chỉ số duy trì xu hướng đi lên cho tới hiện tại bất chấp việc khối ngoại liên tục bán ra cũng cho thấy sức ảnh hưởng của khối ngoại trên thị trường Việt Nam không còn mạnh mẽ như trước.

Giới chuyên gia nhận định, một trong những mục tiêu quan trọng thu hút nhà đầu tư nước ngoài đó chính là tiềm năng sinh lời của thị trường, vì vậy, với những yếu tố tích cực trên thị trường Việt Nam, khối ngoại được dự báo sẽ sớm quay trở lại mua ròng.

Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư trong nước đang đóng vai trò chủ đạo và dự báo vẫn sẽ là nhóm có tác động chính tới biến động chỉ số trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn cho rằng, thị trường chứng khoán tăng trưởng là một tín hiệu cho thấy vai trò huy động vốn trung, dài hạn và là "hàn thử biểu" của nền kinh tế Việt Nam nói chung và sức hấp dẫn, tiềm năng của thị trường chứng khoán nói riêng. Tuy nhiên, việc thị trường chứng khoán duy trì đà tăng mạnh và dài như thời gian qua đã và đang đặt ra nhiều thách thức, áp lực hơn cho cả cơ quan quản lý, các thành viên thị trường.

Ông Sơn nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với những nguy cơ lớn; trong đó, đại dịch COVID-19 kéo dài trên toàn cầu sẽ vẫn là nguy cơ lớn nhất.

Diễn biến của thị trường chứng khoán về trung và dài hạn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam cũng như mức độ hồi phục của nền kinh tế trong nước, quốc tế. Ngoài ra, mặt bằng giá chứng khoán đã lên cao cũng tạo ra những rủi ro khi thị trường điều chỉnh.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện đã chiếm tới 90 - 95% trong giao dịch hàng ngày. Thanh khoản thị trường tăng vọt, trung bình mỗi phiên đã lên tới hàng tỷ USD.

Thị trường có thanh khoản cao sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút dòng tiền vào kênh chứng khoán. Trong khi đó, những kênh đối trọng với kênh chứng khoán đang tỏ ra kém hấp dẫn hơn, như kênh tiết kiệm lãi suất rất thấp, kênh bất động sản rủi ro còn lớn nên kênh chứng khoán vẫn "nổi" hơn rất nhiều so với các kênh đầu tư khác.

Dù vậy, vị chuyên gia này nhận định, nhiều nhà đầu tư mới chưa có kiến thức đầu tư, đầu tư theo trào lưu. Đa phần các nhà đầu tư mới chọn kênh chứng khoán vì họ có nguồn tiền nhàn rỗi lớn và không biết lựa chọn kênh đầu tư nào khác. Trong khi kênh đầu tư chứng khoán có thanh khoản cao nên rất hấp dẫn các nhà đầu tư này.

Điều này có thể gây ra những rủi ro nhất định cho thị trường vì tâm lý nhà đầu tư nhỏ lẻ thường rất yếu. Khi thị trường có cú đảo chiều, có thể dẫn đến việc các nhà đầu tư đua nhau bán ra cổ phiếu khiến thị trường càng giảm mạnh.

Có nhận định khá lạc quan, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng, xét về yếu tố định giá thì sau kết quả kinh doanh quý I/2021 tăng trưởng ấn tượng của hơn 80% các doanh nghiệp niêm yết và hơn 60% các doanh nghiệp nhóm VN30 thì mức P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) bình quân của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay là khoảng 19 lần. Mức này vẫn thấp hơn so với mức bình quân trên 22 lần của các thị trường chứng khoán châu Á.

Thậm chí P/E bình quân của nhóm các cổ phiếu thép, ngân hàng, chứng khoán là nhóm tăng mạnh thời gian qua mới chỉ ở mức 15 lần, do những ngành này đón nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng bứt phá trong quý I/2021. Vì vậy, thị trường chứng khoán có lý do chính đáng để thu hút được dòng tiền lớn trong nền kinh tế thời gian gần đây.

Theo ông Ngọc, giai đoạn hiện tại kinh tế vĩ mô Việt Nam khá ổn định, tăng trưởng tín dụng thấp, lạm phát thấp, dự trữ ngoại hối cao nhất lịch sử. Bên cạnh đó, lãi suất đang ở mức thấp nhất lịch sử để hỗ trợ nền kinh tế chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19.

Ông Ngọc nhìn nhận, thị trường chứng khoán nửa đầu năm 2021 đi lên là do nhà đầu tư kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế, lợi nhuận doanh nghiệp và đặc biệt là sự dịch chuyển của dòng tiền tiết kiệm nhàn rỗi đi vào kênh đầu tư chứng khoán. Đây là điều kiện để Việt Nam phát triển nhanh thị trường vốn trong giai đoạn này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước