Kinh tế tăng trưởng khả quan trong những năm gần đây, các lĩnh vực như: du lịch, xuất nhập khẩu đạt được nhiều con số ấn tượng. Điều này kéo theo sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của lĩnh vực hàng không. Trong 10 năm trở lại đây, thị trường hàng không Việt Nam liên tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng 2 con số, bình quân hơn 17% về hành khách và gần 14% về hàng hóa.
"Thị trường hàng không Việt Nam đang tăng trưởng nóng?", câu hỏi này đã liên tục được đề cập đến trong hàng loạt diễn đàn hay các bài báo phân tích về những hoạt động và sự phát triển của lĩnh vực này trong vài năm gần đây. Có những ý kiến đồng tình bởi thực tế có thể thấy, nhu cầu vận chuyển hàng không đang ngày càng tăng, một số sân bay đang trở nên ách tắc nghiêm trọng. Đặc biệt là những động thái của một loạt doanh nghiệp đang lấn sân vào lĩnh vực này.
Ngược lại, cũng có quan điểm cho rằng, chỉ dùng từ "nóng" khi nói đến sự phát triển vượt ngoài tầm kiểm soát, nhưng thực tế hàng không Việt Nam dù tăng trưởng nhanh nhưng vẫn phù hợp với quy hoạch. Và quan trọng hơn, sự tăng trưởng này đang tạo ra những áp lực nào với các nhà chức trách, đơn vị quản lý hạ tầng và chính các hãng hàng không? Một lần nữa, vấn đề này lại trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi tại tọa đàm "Hàng không Việt Nam - Cơ hội và thách thức" do Bộ GTVT tổ chức vào ngày 11/12 tại Hà Nội.
Việc dùng từ "nóng" ở đây là chưa thực sự phù hợp. Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, nếu so với năm 2008, vận chuyển hàng không Việt Nam hiện đã tăng 5,2 lần về hành khách và 3,2 lần về hàng hóa. Đây là tốc độ nhanh nhưng hợp lý bởi nó gắn liền với tăng trưởng của GDP và vẫn trong tầm kiểm soát của quản lý Nhà nước.
Đại diện Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam lại cho rằng, không sợ dùng từ "nóng". Hàng không tăng trưởng "nóng" tức là kinh tế đang phát triển tốt, nhưng làm sao phải đảm bảo được các yếu tố an ninh, an toàn. Nhu cầu tăng nhanh đang đặt ra nhiều áp lực, trong đó áp lực lớn nhất đến từ hạ tầng sân bay. Theo đại diện các hãng hàng không, trong điều kiện hạ tầng khó khăn, tốc độ tăng trưởng nhanh đòi hỏi nhu cầu tăng chuyến, quay vòng để tối ưu hóa đội tàu bay và đội ngũ phi công, tiếp viên. Trong đó, nhân lực đang là yếu tố rủi ro và làm tăng chi phí kinh tế của hãng.
Việt Nam có gần 100 triệu dân nhưng đội tàu bay mới chỉ dừng lại ở 200 chiếc. Theo đó, cứ 1 triệu dân lại có 2 tàu bay để phục vụ. Điều này cho thấy dư địa tăng trưởng còn rất lớn. Tuy nhiên, điểm nghẽn về hạ tầng đang tạo ra nhiều áp lực. Điển hình như tại sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay có lưu lượng thông qua đứng đầu cả nước, vì quá tải cả trên không và mặt đất nên năm 2019 chỉ tăng thêm được 1 - 2% số chuyến, kéo theo tăng trưởng cũng bị kìm lại ở mức chỉ khoảng 5%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!