Thị trường "mua trước trả sau" tại Việt Nam tăng mạnh

Thuỳ An-Thứ sáu, ngày 27/09/2024 16:53 GMT+7

(Ảnh minh hoạ)

VTV.vn - Với tốc độ tăng mạnh thị trường "mua trước trả sau" (Buy Now, Pay Later - BNPL) đang ngày thu hút những ông lớn tài chính trên thế giới.

"Mua trước trả sau" (Buy Now, Pay Later - BNPL) bắt đầu xuất hiện vào đầu những năm 2000 tại các nước phát triển như Mỹ và Anh, khi các công ty tài chính bắt đầu cung cấp giải pháp thanh toán cho phép khách hàng tách biệt việc mua hàng và thực hiện thanh toán thành nhiều kì hạn khác nhau.

Những năm gần đây khi thương mại điện tử bùng nổ đã khiến thị trường BNPL tại Việt Nam tăng mạnh. Theo báo cáo của Research and Markets, quy mô thị trường "mua trước trả sau" (Buy Now, Pay Later - BNPL) tại Việt Nam thời điểm cuối năm 2023 đạt 1,32 tỉ USD và được kì vọng tăng trưởng 44% trong năm 2024, đạt mức 1,9 tỉ USD. Trong giai đoạn 2024 - 2029, thị trường dịch vụ BNPL ở Việt Nam kì vọng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 29,2% và đạt quy mô là 6,89 tỉ USD năm 2029.

Thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam tăng mạnh - Ảnh 1.

Thị trường "mua trước trả sau" hưởng lợi từ sự bùng bổ của thương mại điện tử

Báo cáo của Research and Market (2024) cũng cho biết, so với quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước tính đạt 20,5 tỉ USD năm 2023, cho thấy dịch vụ BNPL chỉ chiếm chưa đến 6,5% trong tổng quy mô thương mại điện tử.

Với tiềm năng lớn không quá khó hiểu khi thị trường BNPL Việt Nam ngày càng thu hút các ông lớn tài chính. Ứng viên mới nhất tham gia thị trường BNPL là Lotte C&F được đầu tư từ hai nhánh tài chính chủ lực của tập đoàn là Lotte Capital (Hàn Quốc) và Lotte Financial (Nhật Bản). Ra mắt tại thị trường Việt Nam, Lotte C&P đã triển khai hợp tác với chuỗi siêu thị Lotte Mart. Từ ngày 27/9, khách hàng tại Việt Nam có thể trải nghiệm việc mua trước, trả sau của Lotte C&F khi mua sắm trực tuyến trên ứng dụng Lotte Mart với sản phẩm mua sắm từ thực phẩm cho các bữa ăn hàng ngày, đồ gia dụng hay các thiết bị điện tử. 

"BNPL được dự đoán sẽ là sẽ sớm thành phương thức thanh toán cốt lõi tại tất cả các cửa hàng và trang thương mại điện tử trong thời gian tới. Vì thế các sản phẩm BNPL có tính chất đón đầu xu thế thanh toán đang được nhiều người ưa chuộng, nhất khi Việt Nam hướng tới một nền kinh tế không tiền mặt", ông ông Shin Ju Back, Tổng giám đốc Lotte Mart cho biết.

Còn ông Inaishi Noritaka, Tổng giám đốc Lotte C&F cho biết, hiện mới chỉ có khoảng 10% dân số Việt Nam có thẻ tín dụng, một sản phẩm đòi hỏi chứng minh thu nhập cao của người sở hữu. Trong khi đó, dịch vụ BNPL hướng tới những người có thu nhập trung bình nhưng có "hành vi tiêu dùng tốt", có nhu cầu mua trước trả sau cho những mặt hàng có giá trị nhỏ như thực phẩm, vé xem phim hay đồ gia dụng.

"Điểm khác biệt lớn giữa thẻ tín dụng và BNPL là đánh giá tín dụng. Trong tài chính tiêu dùng tập trung vào tài sản và thu nhập của người sở hữu thì BNPL quan tâm tới dữ liệu về hành vi tiêu dùng hơn", ông Inaishi Noritaka cho biết. 

Thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam tăng mạnh - Ảnh 2.

Ông Inaishi Noritaka, Tổng giám đốc Lotte C&F đánh giá cao tiềm năng thị trường "mua trước trả sau" tại Việt Nam

Theo nghiên cứu Green Shoots Radar của Visa về việc sử dụng mua trước trả sau tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, người tiêu dùng thuộc thế hệ Millennial, tiếp theo là Gen X và Gen Z rất ưa thích mua trước trả sau bởi số tiền thanh toán được chia nhỏ hàng tháng, không lãi suất hoặc lãi suất thấp cùng với thao tác dễ dàng.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, người tiêu dùng sử dụng các tùy chọn trả góp chủ yếu để mua sắm sản phẩm điện tử, gia dụng cho bản thân và gia đình, các mặt hàng cao cấp, đồ nội thất và chi tiêu cá nhân khác. Trong số các tùy chọn hình thức trả góp, trả góp qua thẻ tín dụng ngân hàng được ưa chuộng nhất, tiếp theo là thông qua các tổ chức không thuộc ngân hàng như các nhà bán lẻ và các công ty tài chính.

Nói thêm về thị trường này, ông Inaishi Noritaka, Tổng giám đốc Lotte C&F cho biết, quy mô thị trường BNPL toàn cầu năm 2023 đạt 378 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt quy mô 8000 tỷ USD vào năm 2032 với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 40%. Số người dùng dịch vụ này cũng được dự đoán sẽ tăng 360 triệu lên tới 900 triệu người dùng. 

Nguyên nhân của sự tăng trưởng vượt bậc này là người dùng và các nhà bán lẻ đều có lợi ích khi tham gia dịch vụ. Với người tiêu dùng đó là ưu đãi mua sắm, thuận tiện và thanh toán linh hoạt trong khi các nhà bán lẻ có có hội thu hút thêm nhiều khách hàng mới. Hiện, các ông lớn trên thế giới như Amazon, Apple cũng đã triển khai dịch vụ này để tăng doanh số. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước