Ảnh: Getty Images.
Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị gia tăng ở Trung Đông thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn của giới đầu tư, giá vàng thế giới đã chứng kiến những biến động mạnh trong vài tháng qua. Đáng chú ý, phiên 4/12 tại châu Á, giá kim loại quý này tiếp tục đà tăng và leo lên mức cao kỷ lục mới, trước khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất vào tháng 3/2024. Liệu vàng có thể tiếp tục phi mã trong bao lâu và triển vọng của thị trường vàng trong năm 2024 sẽ như thế nào?
Nhu cầu cao kỷ lục
Tính riêng trong tháng 10/2023, giá vàng thế giới đã tăng hơn 7% và lần đầu tiên kể từ tháng 5/2023 giá vàng đã xuyên ngưỡng 2.000 USD/ounce.
Chuyên gia nghiên cứu thị trường cấp cao Louise Street của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho hay: "Nhu cầu vàng đã và đang ổn định trong suốt cả năm qua, với lợi suất tốt trước áp lực từ lãi suất cao và đồng USD mạnh. Trong tương lai, do căng thẳng địa chính trị gia tăng và dự báo về việc các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng mạnh mẽ, nhu cầu vàng có thể vượt mong đợi".
Các ngân hàng trung ương đã mua vàng nhiều hơn dự kiến trong năm nay, qua đó hỗ trợ đáng kể cho giá vàng, vốn đang phải đối mặt với sức ép từ chính sách thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu. Trong một báo cáo công bố ngày 31/10, WGC cho biết các quốc gia đã tăng dự trữ vàng thêm 337 tấn trong quý III/2023. Con số này cao hơn so với mức tăng 175 tấn trong quý II và lớn hơn ước tính 103 tấn của WGC.
Trong chín tháng kể từ đầu năm nay, các ngân hàng trung ương đã mua tổng cộng 800 tấn vàng, chủ yếu là các nước như Trung Quốc, Ba Lan và Singapore. Con số này đã vượt sức mua trong cùng kỳ năm 2022 do nhu cầu cao kỷ lục. Sức mua lớn của thị trường đã giúp vàng tránh được tác động từ lợi suất trái phiếu chính phủ được điều chỉnh theo lạm phát, vốn thường được coi là yếu tố gây bất lợi cho những tài sản không sinh lời như vàng.
Giá vàng thế giới đạt mức cao nhất trong 6 tháng vào phiên 27/11, do đồng USD suy yếu và kỳ vọng Fed tạm dừng chính sách thắt chặt tiền tệ đã giúp giá vàng ổn định trên ngưỡng 2.000 USD/ounce. Diễn biến này đã thổi bùng kỳ vọng rằng giá vàng sẽ sớm vượt mức cao nhất từ trước đến nay là 2.074,88 USD/ounce ghi nhận hồi tháng 8/2020. Hầu hết các nhà giao dịch xem mức 2.050 USD/ounce là ngưỡng bứt phá để giá vàng có thể xác lập mức cao kỷ lục mới.
Khép lại tháng 11 vừa qua, thị trường vàng ghi nhận tháng đi lên thứ hai liên tiếp, giữa bối cảnh đồng USD trải qua tháng giao dịch tồi tệ nhất trong một năm và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 20 năm chạm mức thấp nhất trong hai tháng rưỡi.
Mặc dù giá vàng đã "hụt hơi" trong những phiên giao dịch cuối tháng 11 và đầu tháng 12, song giới phân tích vẫn khá lạc quan về triển vọng của thị trường này.
Không để giới đầu tư chờ đợi lâu, phiên sáng 4/12 tại châu Á, giá vàng đã xác lập đỉnh mới trước khả năng Fed có thể hạ lãi suất vào tháng 3/2024, dù các quan chức Fed vẫn giữ thái độ thận trọng. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng gần 2% lên mức cao kỷ lục 2.148,78 USD/ounce, trong khi giá vàng giao tháng 2/2024 cũng tăng 2%, lên mức kỷ lục 2.151,20 USD/ounce.
Chủ tịch Fed Jerome Powell trong phát biểu cuối tuần trước đã nhắc lại quan điểm cho rằng lãi suất tại Mỹ sẽ tăng trong thời gian dài hơn dự kiến. Tuy nhiên, ông cho rằng nỗ lực kiểm soát lạm phát mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái đã có những kết quả. Phát biểu trên làm tăng khả năng Fed sẽ không tăng lãi suất vào tháng 12/2023 và có thể bắt đầu hạ vào tháng 3/2024. Lãi suất thấp hơn gây áp lực giảm giá đối với đồng USD và lợi suất trái phiếu, qua đó làm gia tăng sức hấp dẫn của vàng.
Triển vọng trong ngắn hạn
Đà bứt tốc của giá vàng nhanh chóng thoái trào vào giữa phiên 4/12, khi giá kim loại quý này không thể duy trì trên ngưỡng 2.100 USD/ounce ngay sau đó.
Giới quan sát thị trường vàng cho rằng, đà giảm có thể nới rộng trong những phiên sau đó nếu mức thấp nhất trong ngày là 2.072 USD/ounce. Mức tâm lý 2.050 USD/ounce có thể là vùng hỗ trợ tiếp theo, nhưng giá vàng vẫn có khả năng rơi xuống thấp hơn để thử lại ngưỡng 2.000 USD/ounce.
Tuy nhiên, theo họ, bất kỳ xu hướng giảm nào diễn ra có thể chỉ ở mức nhẹ và được coi là cơ hội mua tốt trong bối cảnh Golden Cross đang diễn ra. Golden Cross là một chỉ báo kỹ thuật cung cấp tín hiệu cho thấy xu hướng giá đang chuyển từ giảm sang tăng.
Chuyên gia phân tích cấp cao Jim Wyckoff của Công ty Kitco Metals nhận định, triển vọng ngắn hạn của vàng vẫn thuận lợi, khi đồng USD đang có xu hướng đi xuống trước những kỳ vọng rằng Fed sẽ không nâng lãi suất nữa và thậm chí có thể sẽ hạ lãi suất vào mùa Xuân năm sau.
Nhà phân tích Tai Wong tại công ty kinh doanh kim loại độc lập ở New York cho biết sự đi xuống của giá vàng sẽ được giới hạn trong khoảng 2.015-2.020 USD/ounce và sẽ không có mối lo ngại nào xảy ra nếu giá vàng không rơi xuống dưới 2.000 USD/ounce.
Trong khi đó, chiến lược gia hàng hóa Daniel Ghali tại TD Securities dự báo giá vàng sẽ đạt mức cao mới trong nửa đầu năm 2024 khi thị trường tiếp cận chính sách xoay trục của Fed và khi nền kinh tế có thể sẽ chậm lại. Còn bà Michele Schneider, chuyên gia nghiên cứu và đào tạo giao dịch của MarketGauge.com, tháng trước dự đoán giá vàng có thể chạm mức 3.000 USD/ounce nhờ sự hỗ trợ của đồng USD ổn định và lãi suất tăng.
Giá vàng cũng được hưởng lợi từ sự gia tăng của nhu cầu trú ẩn an toàn, sau những rủi ro địa chính trị mới xuất hiện giữa Yemen và Mỹ vào cuối tuần qua. Những căng thẳng này làm tăng thêm bất ổn từ cuộc xung đột vốn đã dai dẳng giữa Israel và lực lượng Hamas, khi lệnh ngừng bắn giữa hai bên đã đổ vỡ hôm 1/12. Bối cảnh địa chính trị căng thẳng này, cùng với lợi suất trái phiếu tiếp tục giảm, khiến giá vàng giao ngay đang hướng tới mức tăng hàng quý lớn nhất kể từ tháng quý II/2020.
Chia sẻ trên chương trình Squawk Box của đài CNBC, nhà đầu tư quỹ phòng hộ Paul Tudor Jones nói rằng thế giới đang ở trong "môi trường địa chính trị đầy hiểm họa và thách thức nhất" vào thời điểm Mỹ còn phải vật lộn với "vị trí tài chính yếu nhất kể từ Thế chiến thứ hai". Ông khuyến nghị vàng cũng như tiền điện tử bitcoin có thể chiếm một phần lớn hơn trong danh mục đầu tư của mọi người so với trước đây.
Nếu Fed thực sự lựa chọn cắt giảm lãi suất sớm hơn, ngân hàng Bank of America dự đoán vàng có thể đạt đỉnh ở mức 2.400 USD/ounce trong năm 2024. Dự báo này nhấn mạnh triển vọng ngày càng tăng của vàng như một kênh hấp dẫn cho các nhà đầu tư vào năm 2024. Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát gần đây của WGC cho thấy 24% ngân hàng trung ương toàn cầu có ý định tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới, do họ ngày càng bi quan về vai trò của đồng USD như một tài sản dự trữ. Tin tức đáng khích lệ này có thể là tín hiệu tốt cho giá vàng trong tương lai gần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!