Thích ứng với thay đổi trong thương mại

Thường trú Đài THVN tại Mỹ-Thứ bảy, ngày 10/08/2024 07:44 GMT+7

VTV.vn - Các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt, đặc biệt khi nước Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử Tổng thống và những thay đổi về chính sách thương mại nếu có.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong 6 tháng đầu năm đạt 54,3 tỷ USD. Trong khi nhập khẩu từ Mỹ đạt 7,1 tỷ USD. Theo ước tính của Tổng Cục thống kê, kim ngạch hai chiều có thể sớm đạt 100 tỷ USD trong năm nay.

Để đạt được điều đó, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt, đặc biệt khi nước Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử Tổng thống và những thay đổi về chính sách thương mại nếu có.

Cựu Tổng thống Trump vẫn theo đuổi chính sách áp thuế lên hàng nhập khẩu. Ông còn dự kiến tăng thêm 10% thuế lên tất cả các hàng hoá nhập khẩu nếu tái đắc cử.

Còn Phó Tổng thống Harris có thể duy trì chính sách của chính quyền đương nhiệm, không tăng thêm thuế nhập khẩu vì lo ngại giá hàng hóa có thể tăng, khiến lạm phát cao trở lại.

Nhân ngày Thương mại Công bằng Thế giới (11/5), đại diện Bộ Thương mại Mỹ cho rằng thúc đẩy thương mại công bằng vẫn là trọng tâm của chính quyền Dân chủ.

Ông Arun Venkataraman - Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết: "Thương mại là phần thiết yếu trong cuộc sống của chúng ta. Và thúc đẩy giao thương cho người dân và doanh nghiệp Mỹ là nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi".

Thích ứng với thay đổi trong thương mại - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt, đặc biệt khi nước Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử Tổng thống

Và với các đối tác quan trọng như Việt Nam, tăng cường giao thương là tầm nhìn dài hạn với nước Mỹ.

Ông Arun Venkataraman - Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết thêm: "Chúng tôi luôn coi trọng vai trò của Việt Nam với tương lai của khu vực và với sự hiện diện, hợp tác của chúng tôi ở đó. Vì thế khi nói về vài năm tới, tôi tin hợp tác thương mại không thay đổi gì ngoài tăng trưởng và sẽ càng tăng trưởng khi chúng ta tăng cường hợp tác".

Thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ ngày càng gần. Qua thăm dò, tỷ lệ ủng hộ của các cử tri với hai ứng cử viên đang khá sát sao. Với các doanh nghiệp đang có giao thương tại thị trường Mỹ, ngoài các điều kiện thuận lợi đã có thì cần chủ động chuẩn bị cho các thách thức có thể xảy ra.

Bà Trần Hoàng Phú Xuân - Tổng Giám đốc Công ty FasLink chia sẻ: "Cần chủ động cập nhật bối cảnh vĩ mô, rồi việc hợp tác một cách chủ động về chuỗi cung ứng sẽ tạo ra những lợi thế nhất định, hoặc năng lực nhất định để có thể đối phó với các thách thức. Vì bây giờ thách thức thực sự xảy ra rất thường xuyên và khá khó đoán".

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Đại diện VP. Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại New York, Mỹ nhận định: "Bất cứ sự thay đổi của nước nào, ví dụ như nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, cũng sẽ ảnh hưởng không chỉ riêng Việt Nam mà còn với toàn cầu. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, theo tôi chúng ta cần chủ động hơn trong đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho xuất khẩu. Đồng thời tập trung trong cải tiến việc xuất khẩu, cải tiến việc sản xuất để làm sao đáp ứng được các tiêu chuẩn: xanh, sạch, phát triển bền vững".

Theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, trong năm 2023, thâm hụt thương mại của nước này đã giảm nhờ cả hai phía là xuất khẩu tăng, nhập khẩu giảm. Nhập khẩu giảm trong năm vừa qua chủ yếu do lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm, lãi suất đi vay chi tiêu cao khiến người tiêu dùng dè dặt hơn. Những khó khăn này cùng với những thay đổi về chính sách thương mại (nếu có) được đánh giá sẽ tiếp tục là rào cản lớn đối với hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ từ các nước trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước