Thiết lập một thị trường carbon quốc tế chất lượng cao

PV-Thứ tư, ngày 13/11/2024 16:21 GMT+7

Một thị trường carbon đáng tin cậy của Liên hợp quốc sẽ góp phần nâng cao tiêu chuẩn cho thị trường tín chỉ tự nguyện vốn đang gặp nhiều bê bối

VTV.vn - Gần 200 quốc gia đã thống nhất một số quy tắc cơ bản quan trọng để vận hành thị trường carbon sau gần một thập kỷ thảo luận căng thẳng.

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 29 của Liên hợp quốc (COP29) đang diễn ra tại Azerbaijan, các nước tham gia vừa đạt được một bước tiến quan trọng. Đó là đã thông qua các tiêu chuẩn mới của Liên hợp quốc về thị trường carbon quốc tế.

Quyết định này đã giúp khép lại hơn một thập kỷ đàm phán căng thẳng, giúp mở đường cho việc thiết lập một thị trường carbon quốc tế chất lượng cao do Liên hợp quốc hậu thuẫn, và thúc đẩy việc trao đổi mua bán tín chỉ carbon giữa các quốc gia. Các quy tắc về trao đổi tín chỉ carbon chung cho các quốc gia và doanh nghiệp đã được Liên hợp quốc bắt đầu xây dựng từ sau Thỏa thuận Paris năm 2015. Tuy nhiên các cuộc đàm phán đã gặp bế tắc trong những năm qua do nhiều bất đồng giữa các thành viên.

Thiết lập một thị trường carbon quốc tế chất lượng cao - Ảnh 1.

Tín chỉ carbon được tạo ra từ các hoạt động giảm hoặc ngăn chặn khí thải gây hiệu ứng nhà kính

Chủ tịch COP29, ông Mukhtar Babayev, hoan nghênh "bước đột phá" này nhưng cho biết vẫn cần thêm nhiều nỗ lực từ các nước. Các chuyên gia cho rằng, các khía cạnh quan trọng khác của khuôn khổ chung vẫn cần được đàm phán, nhưng quyết định này đã đưa thị trường tín chỉ carbon chất lượng cao do Liên hợp quốc hậu thuẫn đến gần hơn.

Trong khi đó, bà Erika Lennon từ Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế (CIEL) nói: "Đây là bước tiến vô cùng quan trọng, mở đường cho một thị trường carbon hoàn chỉnh” .

Tín chỉ carbon được tạo ra từ các hoạt động giảm hoặc ngăn chặn khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chẳng hạn như trồng cây, bảo vệ các nguồn carbon tự nhiên, hoặc thay thế than bằng các nguồn năng lượng sạch. Một tín chỉ tương đương với một tấn CO₂ được ngăn ngừa hoặc loại bỏ.

Kể từ Hiệp định Paris năm 2015, Liên hợp quốc đã xây dựng các quy tắc để cho phép các quốc gia và doanh nghiệp trao đổi tín chỉ carbon trong một thị trường minh bạch và đáng tin cậy. Các tiêu chuẩn vừa được thông qua tại Baku sẽ cho phép phát triển các quy tắc để tính toán số lượng tín chỉ mà mỗi dự án có thể nhận được.

Khi đi vào hoạt động, thị trường carbon sẽ cho phép các quốc gia, chủ yếu là những nước phát thải lớn, bù đắp lượng khí thải của mình bằng cách mua tín chỉ từ các quốc gia đã cắt giảm khí nhà kính nhiều hơn so với cam kết. Các quốc gia mua tín chỉ có thể sử dụng chúng để đạt được mục tiêu khí hậu trong các kế hoạch quốc gia của họ.

Trước đó, nỗ lực điều chỉnh thị trường carbon của Liên hợp quốc theo Hiệp định Paris đã bị Liên minh châu Âu (EU) và các nước đang phát triển từ bỏ tại Hội nghị ở Dubai vào năm 2023 vì cho rằng quy định quá lỏng lẻo.

Một số nhà quan sát cho rằng quyết định tại Baku vẫn chưa giải quyết được những vấn đề quan trọng lâu dài của cơ chế tín chỉ carbon rộng hơn, còn được gọi là Điều 6 của Liên hợp quốc.

Có hy vọng rằng một thị trường carbon đáng tin cậy của Liên hợp quốc sẽ góp phần nâng cao tiêu chuẩn cho thị trường tín chỉ tự nguyện vốn đang gặp nhiều bê bối.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước