Hiện nay, cước vận tải đường sắt lại cao hơn đường bộ đến gần 30%. Đó là chia sẻ của đại diện một doanh nghiệp đã từng thử nghiệm vận chuyển phôi thép bằng tàu hỏa từ Thái Nguyên đến cảng Cái Lân, Quảng Ninh. Đường sắt lệch khổ, chưa kết nối được vào trong cảng đã làm phát sinh thêm nhiều lần bốc xếp. Vì vậy, chi phí logistics đã bị đẩy lên cao.
Là các cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng triệu tấn hàng hóa mỗi năm, thế nhưng hầu hết các cảng biển tại Hải Phòng, Quảng Ninh đều thiếu đường sắt nhánh kết nối vào cảng. Một vài chỗ có phương án kết nối lại vướng khu dân cư. Do đó, tần suất chạy tàu cũng khó có thể tăng lên. Không những thế, các khu vực hậu cần như kho bãi, dịch vụ bốc xếp, được xem là những cánh tay nối dài của các cảng biển cũng còn rất hạn chế.
Chưa dừng lại ở đó, những nút thắt hạ tầng còn tồn tại ở cả đường thủy. Tuyến vận tải container đầu tiên của khu vực phía Bắc, từ Hải Phòng đi Việt Trì, Phú Thọ cũng chưa thể có giá cước cạnh tranh. Nguyên nhân bởi nút thắt cầu Đuống, cây cầu dùng chung giữa đường sắt và đường bộ đã xuống cấp sau cả trăm năm sử dụng. Xà lan hàng trăm tấn, nhưng chỉ chở được tối đa 24 container vì vướng tĩnh không cầu.
Theo các chuyên gia, việc bố trí ngân sách để đầu tư kết nối hạ tầng của các phương thức vận tải là bài toán không dễ giải quyết trong điều kiện hiện nay. Thế nhưng, chi phí logistics của Việt Nam ở mức cao, vào khoảng gần 20% GDP như hiện nay lại đang gây ra những lãng phí không nhỏ cho nguồn lực xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!