Thiếu liên kết trong tiêu thụ trái cây ĐBSCL

TCTD-Thứ ba, ngày 10/06/2014 10:30 GMT+7

Cũng như thông lệ hàng năm, vào thời điểm này mặt hàng trái cây tại ĐBSCL lại rơi vào tình trạng được mùa, mất giá, đầu ra bấp bênh. Chính vì vậy, bài toán thiếu liên kết trong tiêu thụ trái cây tồn tại nhiều năm trong vùng lại được đặt ra một cách cấp thiết.

Hơn ba năm nay, 22ha trồng chôm chôm với sản lượng 600 tấn/năm của Tổ hợp tác xã Phú Phụng đã được công nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP. Tuy sản phẩm đạt chất lượng cao nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cho nhà vườn không như mong muốn. Lý do là doanh nghiệp chỉ thu mua 20% sản lượng, tương đương 120 tấn, 480 tấn chôm chôm còn lại bà con phải bán thấp hơn giá thị trường từ 2.000-3.000đồng/kg.

Ông Trần Hoàng Sở - Tổ hợp tác sản xuất chôm chôm Phú Phụng - Chợ Lách - Bến Tre nói:"Tổ hợp tác chúng tôi liên kết với doanh nghiệp Chánh Thu để mua chôm chôm. Nhưng công ty mua không hết hàng khiến bà con không mặn mà sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP nữa".

‘ Ảnh minh họa

Mặc dù sản lượng trái cây của ÐBSCL rất dồi dào nhưng hầu hết là hàng "sô", còn hàng đạt chất lượng xuất khẩu chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 10% diện tích đạt tiêu chuẩn Global GAP. Hơn 97% trái cây bán qua thương lái, trung gian làm phát sinh nhiều chi phí nên nông dân cũng bị giảm mất thu nhập. Một điểm yếu nữa là việc bảo quản trái cây sau thu hoạch còn lạc hậu khiến tỷ lệ hư hỏng cao từ 25- 30%, cộng thêm thiếu cơ sở chế biến.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu - Giám đốc công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - Bến Tre nói: “Chúng tôi rất trăn trở khi không bao tiêu hết sản phẩm cho nông dân. Do đó chúng tôi nghĩ rằng Nhà nước cần đầu tư khoa học kỹ thuật thêm cho nhà vườn. Quan trọng hơn nữa là xây dựng nhà máy chế biến trái cây để chế biến những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu”.

Tiến sĩ Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết: "Tôi nghĩ vai trò của Nhà nước là quan trọng nhất. Lâu nay chúng ta chỉ tập trung sản xuất mà không nghiên cứu thị trường. Chúng ta phải chỉ ra cái gì thế giới cần, cái gì trong nước cần, giống nào người tiêu dùng thích".

Thời gian qua, nhà vườn ĐBSCL đã quan tâm phát triển mô hình sản xuất trái cây theo hướng Global GAP cũng như liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên để mặt hàng trái cây phát triển bền vững, ổn định thì bao nhiêu vẫn chưa đủ. Vấn đề mấu chốt hiện nay là từng bước xây dựng chiến lược thị trường, phát triển các kênh tiêu thụ sản phẩm ở trong và ngoài nước; khuyến khích đầu tư ngành công nghiệp chế biến; nâng cao chất lượng những loại trái cây đặc sản từ đó khẳng định thế mạnh cạnh tranh của trái cây Việt Nam trên thị trường thế giới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước