Thiếu mã số vùng trồng rau quả xuất khẩu

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 29/09/2024 13:00 GMT+7

VTV.vn - Cả nước có khoảng 1,3 triệu ha cây ăn quả, sản lượng hơn 13 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hơn 5 tỷ USD. Cấp mã số là giải pháp quan trọng giúp nông sản nước ta vươn xa.

Xuất khẩu rau quả Việt Nam tiếp tục đạt kỷ lục, trong 9 tháng qua đạt gần 5,7 tỷ USD - gần bằng kim ngạch xuất khẩu của cả năm ngoái. Con số sẽ còn tăng cao hơn nữa, nếu ngành rau quả nước ta có được nhiều mã số vùng trồngcơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu các nước nhập khẩu đặt ra. Đặc biệt trong bối cảnh, nhiều thị trường đã mở cửa cho rau quả Việt trong năm nay.

Tiên phong xuất khẩu chanh không hạt, doanh nghiệp đạt nhiều chứng nhận quốc tế về thực hành nông nghiệp tốt. Tuy nhiên, việc thiếu mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói khiến đơn vị gặp khó để đưa trái chanh vào các thị trường khó tính.

"Chỉ có mấy công ty có được cái đăng ký bảo hộ cũng như mã vùng trồng. Do đó khi mà giải quyết một phần lớn nông sản chanh thì cần nhiều công ty cũng như cần nhiều thủ tục giấy tờ. Chúng tôi nghĩ nó không đơn giản và không nhanh gọn được", ông Nguyễn Văn Hiển - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và Đầu tư Chanh Việt cho hay.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: "Có mã số vùng trồng tức là hàng của anh đã được kiểm tra ban đầu rồi, việc thông quan nó tương đối dễ dàng, người ta sẽ cho anh vào. Nếu không có mã số vùng trồng thì dứt khoát người ta không cho, nó giống như một cái visa để được phép vào nước người ta".

9 tháng qua, sầu riêng là mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu của ngành rau quả nước ta với hơn 2,5 tỷ USD. Con số này sẽ còn tăng cao hơn, nếu việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được giải quyết nhanh và hiệu quả.

"Mã số vùng trồng là sự them chốt, sự sống còn của các doanh nghiệp và các bà con, nên chúng tôi mong muốn các ban ngành tạo điều kiện để có nhiều mã số vùng trồng để thuận tiện cho việc xuất khẩu sầu riêng", ông Nguyễn Tiến Điệp - Giám đốc HTX Sầu riêng Uyên Điệp Việt Nam chia sẻ.

Bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn XNK Trái cây Chánh Thu cho hay: "Chúng tôi cũng đang rất đợi chờ nhiều mã số vùng nguyên liệu cũng như mã số nhà đóng gói được cấp phép. Bởi đầu tư cũng đã đầu tư rồi nhưng đợi chờ cái này cũng là một lỗi lo lắng của doanh nghiệp".

Đến nay, cả nước chỉ cấp được khoảng 708 mã số vùng trồng sầu riêng với gần 24.000 ha, đạt chưa tới 7% tổng diện tích sản xuất. Con số này cho thấy việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vẫn còn bỏ ngỏ. Việc thiếu hụt tấm giấy thông hành quan trọng này sẽ cản trở sự tăng trưởng của cả ngành rau quả nước ta.

Điều kiện để được cấp mã số vùng trồng

Thiếu mã số vùng trồng rau quả xuất khẩu - Ảnh 1.

Việc được cấp mã số vùng trồng có ý nghĩa rất quan trọng đối với nông sản Việt. Ảnh TTXVN

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, để cấp mã số vùng trồng phải đáp ứng có diện tích ít nhất 10ha. Việc có được mã số vùng trồng rất khó. Bởi mã số này do các nước nhập khẩu kiểm tra, đánh giá và cấp phép. Việc mà ngành rau quả có thể làm được, đó là liên kết sản xuất, đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, sản lượng, theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Hơn 10 công bưởi của ông Lợi sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt. Ngoài việc ưu tiên dùng các chế phẩm sinh học, ông còn tăng cường liên kết, làm theo yêu cầu của các nhà xuất khẩu.

"Có mã số vùng trồng, rồi VietGap, Global Gap được phép bưởi mình được chấp nhận xuất khẩu thì mình càng phải giữ uy tín nó mới là quan trọng", ông Nguyễn Văn Lợi, nông dân tỉnh An Giang chia sẻ.

Sản phẩm bưởi đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu đi châu Âu. Nhờ sản xuất sạch, có mã số vùng trồng, nên sản phẩm bưởi có giá bán cao hơn 3-4 lần so với bưởi thông thường.

Hiện cả nước có khoảng 6.500 vùng trồng và 1.600 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu. Tuy nhiên, đã có hơn 710 mã số bị thu hồi do không đạt yêu cầu về chất lượng của nước nhập khẩu. Do đó, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ ngành nông nghiệp các địa phương.

Ông Trần Thanh Hiệp - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết: "Khẩn trương rà soát nhu cầu của các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở nhu cầu của các doanh nghiệp này chúng tôi sẽ kết nối với vùng sản xuất. Trên những vùng sản xuất đã cấp mã số vùng trồng, đi đôi với sản phẩm, chất lượng để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu".

"Đòi hỏi vai trò của các tổ chức hội ở địa phương, ví dụ Hội Nông dân, Liên minh hợp tác xã là ngành nông nghiệp tạo điều kiện để giúp người dân trong việc nhanh chóng có đủ diện tích cũng như có điều kiện để hoàn thiện về vấn đề đăng ký mã số vùng trồng", ông Nguyễn Văn Mười - Phó Tổng Thư ký Hiệp Hội Rau quả Việt Nam cho hay.

Hiện cả nước có khoảng 1,3 triệu ha diện tích cây ăn trái, mỗi năm cho sản lượng hơn 13 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu hơn 5 tỷ USD. Việc xây dựng những vùng nguyên liệu an toàn, chất lượng, đặc biệt được cấp mã số là giải pháp quan trọng giúp nông sản nước ta ngày một vươn xa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước