Thu hút nhiều vốn FDI: Mừng nhưng cũng cần cẩn trọng

Tài Phan (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ tư, ngày 18/07/2018 10:00 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Thu hút được vốn FDI luôn là tín hiệu đáng mừng cho kinh tế quốc gia và địa phương nhưng có 2 câu chuyện trên mặt báo ngày 18/7 minh chứng cho sự cẩn trọng và dè chừng.

Hai câu chuyện ở hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau được kể trên Thời báo kinh tế Sài Gòn và tờ Nhịp cầu đầu tư.

Câu chuyện đầu tiên là về ngành dệt may với tiêu đề "Doanh nghiệp tăng đầu tư dệt may, địa phương lo!".

Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đang kéo theo sự dịch chuyển đầu tư các dự án dệt may từ nước ngoài vào Việt Nam. Tín hiệu này rất đáng mừng kể từ khi Mỹ tuyên bố không tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Khi đó, đầu tư của nước ngoài vào ngành dệt may chững lại, các đơn hàng lớn có xu hướng dịch chuyển sang Campuchia, Myanmar, Bangladesh... Bởi so với một số nước trong khu vực, giá sản phẩm dệt may của Việt Nam cao hơn. Nhưng từ Quý III/2017, FDI vào dệt may khởi sắc, các đơn hàng lớn cũng quay trở lại Việt Nam nhờ hiệu ứng của CPTPP và các FTA.

Nhưng không phải cứ có dòng vốn đầu tư, địa phương nào cũng mặn mà. Có địa phương thẳng thừng từ chối dự án với vốn cam kết lên đến cả trăm triệu USD vì dự án này có khâu nhuộm, e ngại sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Vĩnh Phúc, Đà Nẵng là hai địa phương đã đưa ra những lời từ chối đó.

Không chỉ lo về ô nhiễm môi trường, một số địa phương ngại dự án may mặc, dệt nhuộm còn kéo theo rất nhiều lao động nhập cư phục vụ cho lĩnh vực này. Ngoài ra, nhu cầu về trường học, y tế, nhà ở, trật tự trên địa bàn... là những thứ kèm theo mà các địa phương phải tự lo hoặc bỏ tiền đầu tư xây dựng.

Một số địa phương dù không đưa vào diện tạm dừng thu hút đầu tư nhưng một số ngành nghề thuộc lĩnh vực may mặc, dệt nhuộm... được xếp vào diện thu hút đầu tư có điều kiện và chỉ được cấp phép khi đáp ứng đầy đủ những quy định về xử lý chất xả thải, chứng minh công nghệ hiện đại, ít thâm dụng lao động phổ thông.

Câu chuyện thứ 2 trên tờ Nhịp cầu đầu tư lại liên quan đến ngành thép.

Lo sợ một cuộc chiến tranh thương mại trị giá hàng chục tỷ USD đang dần kích hoạt giữa Trung Quốc và Mỹ, các doanh nghiệp thép Trung Quốc đang muốn di dời phần nào năng lực sản xuất sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam để tránh bão.

Ví như ở Đồng Nai, sau 1 năm bị từ chối cấp phép, mới đây công ty thép của Trung Quốc là Yongjin Metal lại tiếp tục nộp đơn xin phép triển khai một dự án thép không gỉ cán nguội có công suất 300.000 tấn. Bên cạnh Yongjin, nhiều doanh nghiệp thép của nước này cũng có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam, thậm chí săn tìm các doanh nghiệp thép nội địa đang thua lỗ để sở hữu giấy phép sản xuất và kinh doanh.

Tuy nhiên, xu thế dịch chuyển của dòng thép Trung Quốc có thể mang tới mối nguy mới cho các doanh nghiệp thép trong nước mặc dù đang được che chở phần nào dưới chiếc ô "áp thuế tư vệ" áp đặt từ năm 2016. Phản ứng trước các động thái mới của nhà đầu tư Trung Quốc, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhanh chóng kiến nghị Chính phủ không nên cấp phép đầu tư thêm trong giai đoạn hiện nay đối với nhiều sản phẩm thép đã dư thừa công suất.

"Hiệp hội nhất trí với kiến nghị của các nhà sản xuất thép không gỉ trong nước về việc không cấp phép đầu tư cho dự án sản xuất thép không gỉ cán nguội của Công ty Yongjin Metal để tránh phát sinh thêm những bất ổn dư thừa nguồn cung trong nước", VSA kiến nghị.

Những mối lo về ô nhiễm môi trường từ dệt nhuộm, những cái vạ lây vì thép Trung Quốc xuất khẩu với cái mác "Made in Vietnam" dẫn đến thép Việt bị điều tra vì nghi ngờ lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Tất cả đều là những mối lo lắng không thừa và tỉnh táo trước những làn sóng đầu tư mà hàm lượng chuyển giao công nghệ là rất thấp, thay vào đó là những mục đích rất khác.

Trung Quốc đầu tư các nhà máy thép ở nước ngoài để né thuế của Mỹ Trung Quốc đầu tư các nhà máy thép ở nước ngoài để né thuế của Mỹ Thách thức giảm phát thải của ngành dệt may Việt Nam Thách thức giảm phát thải của ngành dệt may Việt Nam Cơ hội mở rộng thị trường cho xuất khẩu dệt may Việt Nam từ CPTPP Cơ hội mở rộng thị trường cho xuất khẩu dệt may Việt Nam từ CPTPP

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước