Sáng 23/12, phát biểu tại Hội nghị lần thứ ba giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định việc có đưa đất nước vươn lên đến cột mốc lịch sử trở thành một nước công nghiệp phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ 21 hay không phụ thuộc rất lớn vào những thành quả, nền tảng mà doanh nghiệp tạo ra hôm nay.
Thăm triển lãm các thành tựu của doanh nghiệp Việt Nam, động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đến giờ phút này có thể khẳng định tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước năm nay sẽ đạt trên 7%. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 517 tỷ USD. Không khí đầu tư kinh doanh phần nào đã được thể hiện tại hội nghị này khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư mời đại diện 1.000 doanh nghiệp nhưng có tới gần 3.000 người tham dự.
Nhắc lại tấm huy chương lịch sử của bóng đá nam và nữ tại SEA Games vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chính khát khao chiến thắng đã góp phần lớn lao vào thành công của hai đội bóng. Điều đó cũng thể hiện một phần dân tộc chúng ta có khát vọng lớn hơn thế, mãnh liệt hơn thế, đó là đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
Thủ tướng tái khẳng định không thể có quốc gia hùng cường, hưng thịnh nếu không có doanh nghiệp hùng hậu. Không thể có nền kinh tế lớn khi thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng. Không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu doanh nghiệp và cá nhân xuất sắc. Nhưng sự lớn mạnh của doanh nghiệp không thể thiếu vai trò của Nhà nước, ngược lại, sự yếu kém của doanh nghiệp chắc chắn có phần trách nhiệm của Nhà nước.
Vì thế, Thủ tướng chia sẻ, Chính phủ thấm thía khi mỗi năm có hàng vạn doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động, phá sản, nhiều doanh nghiệp, thương hiệu lớn của Việt Nam bị thị trường đào thải. Do đó, Chính phủ liên tục tổ chức nhiều hội nghị về phát triển doanh nghiệp. Hội nghị hôm nay là để Chính phủ tiếp tục hành động và hành động gấp để tháo gỡ khó khăn, rào cản cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn.
Sau khi lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các doanh nghiệp, Hội Doanh nghiệp, lãnh đạo các bộ cùng ý kiến của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nhiều ý kiến tâm huyết, trong đó có cả những ý kiến "trái chiều, nghịch nhĩ".
Nhưng Chính phủ rất lắng nghe. Chính vì thấu hiểu, lắng nghe mà môi trường cạnh tranh được cải thiện đáng kể, nhờ đó, đến nay cả nước có tới 800.000 doanh nghiệp. Nhưng so với nhiều nước, tỉ lệ doanh nghiệp trên quy mô dân số của Việt Nam vẫn còn thấp. Trong khi đó, mới có 7 doanh nghiệp Việt Nam nằm trong Top 200 doanh nghiệp tốt nhất châu Á có doanh thu dưới 1 tỷ USD và chưa có doanh nghiệp nào trong 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.
Vì thế, trước lãnh đạo của nhiều bộ, ngành và các địa phương, Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện nghiêm và đầy đủ các chủ trương và nghị quyết của Đảng về phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, phải tháo gỡ những khó khăn về thiếu mặt bằng, vốn và lao động có kỹ năng cho doanh nghiệp.
Chấm dứt ngay tình trạng các nhân viên công quyền sử dụng quyền lực mềm để hù dọa doanh nghiệp mỗi khi doanh nghiệp có sai sót hay chỉ là bất đồng. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải bảo đảm rằng tất cả các ý kiến của doanh nghiệp đều phải được lắng nghe và tôn trọng, còn việc tiếp thu hay không phải thảo luận, phải phân tích, phản biện để đi đến chính sách tốt nhất. “Các cơ quan quản lý Nhà nước phải loại đi những cán bộ nhũng nhiễu phiền hà, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh do tham nhũng tiêu cực hoặc do trình độ yếu kém để kéo dài thời gian, làm mất thời gian, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và chính quyền các địa phương phải thực sự thay đổi tư duy và thực hiện theo quan điểm mới, không phải những gì mà Nhà nước không muốn làm hoặc khó thì chuyển cho tư nhân mà là những gì tư nhân làm được và làm tốt thì nên để tư nhân tham gia, kể cả doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công. Phải tiếp tục giảm đáng kể danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đi cùng với cải thiện mạnh mẽ, rõ nét chỉ số phá sản doanh nghiệp và giải quyết tranh chấp hợp đồng. Đây là những chỉ số khiến Ngân hàng Thế giới hạ bậc xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Thủ tướng cũng yêu cầu phải cải cách triệt để thủ tục hành chính, thuế, giấy phép song hành với rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường. Bởi đây là những vấn đề thường làm cho doanh nghiệp chờ đợi, mất nhiều thời gian.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao tinh thần đoàn kết, chủ động hợp tác, phát huy tinh thần yêu nước, gắn bó với nhau khi khó khăn và cùng nhau vươn ra biển lớn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần đi đầu trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, nhất là không được đưa hối lộ và kịp thời phát hiện tình trạng tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt. Thủ cũng đích thân mời cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng các quy định chuẩn mực về môi trường và văn hóa kinh doanh, các quy định này cũng được xem là một khế ước cam kết hành động có trách nhiệm giữa cộng đồng doanh nghiệp với các bộ, ngành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh bền vững có khả năng cạnh tranh toàn cầu, với những doanh nhân Việt Nam có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt, chính là những tiền đề quan trọng để Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập tự cường và thịnh vượng vào năm 2045.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!