Sau khi 2 hội nghị quan trọng bàn về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới được Chính phủ tổ chức vào ngày 30/7 và 12/9, hôm nay (17/9), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 15 về vấn đề này.
Thủ tướng ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới
Thủ tướng yêu cầu các người đứng đầu các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện nghiêm các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả theo hướng: bảo đảm ổn định trong điều kiện bất định; giữ thế chủ động trước những diễn biến phức tạp, khó lường; kiên định, nhất quán, phù hợp, hiệu quả trước sự biến động, tác động nhiều chiều từ thế giới và trong nước; kiểm soát rủi ro, kịp thời ứng phó với nguy cơ suy thoái, khủng hoảng; tạo dựng phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế trong điều kiện hội nhập sâu rộng.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả; phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế cao và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Thủ tướng nhấn mạnh việc bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, lương thực, năng lượng, thông tin; thúc đẩy các động lực tăng trưởng; tăng cường quản lý, kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, nhất là xăng, dầu; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách; làm tốt công tác quy hoạch; tăng cường đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng xanh, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thị trường quốc tế, phát triển thương mại điện tử… ; thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên; xử lý hiệu quả các vấn đề tồn đọng kéo dài; kịp thời ứng phó những vấn đề cấp bách, phát sinh, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ mang tính căn cơ, trung và dài hạn.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường năng lực phân tích, dự báo; phản ứng chính sách nhanh, kịp thời; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; đồng thời, thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch COVID-19; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Thủ tướng đã giao 18 nhiệm vụ rất cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương và yêu cầu người đứng đầu tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả, chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt; phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế cao và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra
Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành tiếp tục khẳng định quyết tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế luôn là yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa chiến lược và cũng là nhiệm vụ ưu tiên trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian tới.
"Chỉ thị số 15 được ban hành vào thời điểm này là hết sức kịp thời. Chỉ thị vừa chỉ ra phương hướng cho phát triển kinh tế, vừa chỉ ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng tốt từ nay đến cuối năm. Đồng thời Chỉ thị cũng đã dự báo những rủi ro và đưa ra những giải pháp để phòng ngừa giúp nền kinh tế Việt Nam tránh rơi vào vòng xoáy của lạm phát và có nguy cơ suy thoái như một số nền kinh tế lớn trên thế giới đang phải đối diện", ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đánh giá.
"Chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay là 6,5% và năm tới là 6,7%. Đây cũng là mức khá thận trọng so với rất nhiều tổ chức khác, chủ yếu do bối cảnh thế giới bất định. Với Việt Nam, chúng tôi kỳ vọng vào khu vực dịch vụ, cũng như dòng vốn FDI sẽ góp phần thúc đẩy khu vực công nghiệp. Việt Nam đã kiểm soát được tốt lạm phát nhờ sự ổn định tỷ giá, các biện pháp cắt giảm thuế phí, bình ổn mặt hàng xăng dầu và lương thực. Tôi cho rằng Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4% cho năm nay và cả năm sau", ông Nishad Majmudar, chuyên gia chính xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam, Moody's, cho hay.
"Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong các thị trường mới nổi, theo khảo sát gần đây của chúng tôi. Có được điều này là nhờ sự quyết liệt và linh hoạt trong điều hành chính sách của Chính phủ Việt Nam, từ đó tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, minh bạch, tạo niềm tin, thu hút các nhà tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang cho thấy là một nền kinh tế mở và chủ trương mở rộng hợp tác của Chính phủ qua việc ký kết 15 Hiệp định Thương mại tự do, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trên thế giới", ông Dominic Brown, Giám đốc thông tin và phân tích thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Cushman & Wakefield, nhận định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!