Đây là đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các thành viên của Hội đồng này tại buổi họp sáng 25/2.
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Quỹ tiền tệ Quốc tế đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của năm 2020, từ 3,3% xuống còn 3,2%. Trung Quốc cũng đã hạ mức dự báo tăng trưởng thấp hơn 0,5% so với mục tiêu 5,8%. Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc và Nhật Bản đều dự báo giảm từ 0,2%-1,8%.
Đối với Việt Nam, dự báo lạm phát trong tháng 2 sẽ thấp hơn so với tháng 1/2020. Trong khi đó, xuất khẩu vẫn duy trì được mức tăng trưởng tốt, còn thu ngân sách nhà nước nhìn chung chưa bị tác động. Thị trường chứng khoán có giảm điểm nhưng không lớn, cung cầu ngoại tệ vẫn ở mức bình thường còn giá vàng sáng nay đã hạ nhiệt.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát ở Hàn Quốc đã tác động xấu tới tâm lý của giới đầu tư và doanh nghiệp và đe dọa làm đứt gãy tiếp nguồn cung đối với các nhà sản xuất ở nhiều nước. Để ứng phó với diễn biến mới này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định quyết tâm, Chính phủ chỉ bàn tiến, chứ không bàn lùi và chưa tính đến việc điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Các thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia ủng hộ quyết tâm của Chính phủ chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế, dù trước mắt có khó khăn và tổn thất, thay vào đó, phải vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời phải tiếp tục kiểm soát tốt nhất được dịch bệnh. Lý do bởi mức độ thiệt hại của nền kinh tế hiện dựa chủ yếu vào việc kiểm soát được dịch bệnh này ở Việt Nam và trên thế giới. Hơn nữa, tổn thất do dịch nhiều khả năng chỉ là tạm thời, chứ không phá vỡ nền tảng tăng trưởng và kết cấu hạ tầng nên khả năng khắc phục là nhanh với chi phí thấp.
Một số thành viên của Hội đồng cũng cho rằng, 90% tác động của dịch COVID-19 đối với các nền kinh tế là tâm lý lo sợ và các biện pháp phòng vệ quá mức. Vì thế, Chính phủ cần tiếp tục trấn an tâm lý cũng như củng cố lòng tin của người dân và doanh nghiệp, đi cùng với quyết tâm khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh để giữ được quỹ đạo tăng trưởng của nền kinh tế như 4 năm qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!