Thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân triển khai ESG, hướng tới tăng trưởng bền vững

PV-Thứ ba, ngày 22/11/2022 16:19 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, tại Diễn đàn Thúc đẩy khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng bền vững tổ chức sáng 22/11/2022

VTV.vn - Sáng 22/11, tại Hà Nội đã diễn ra lễ khởi động Sáng kiến thức đẩy thực hành Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) trong khối doanh nghiệp tư nhân.

ESG là thuật ngữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh (Environmental, Social and Governance), chỉ nhóm các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị, dùng để đánh giá sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, tại Diễn đàn Thúc đẩy khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng bền vững tổ chức sáng 22/11/2022 tại Hà Nội, trước tác động của biến đổi khí hậu và yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, ưu tiên trong các khuôn khổ hợp tác quốc tế ASEAN, APEC về kinh doanh bền vững, sản xuất xanh, vấn đề thuế các-bon… doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức mới, cạnh tranh ngày càng gay gắt, áp lực tăng năng suất lao động và chuyển đổi, nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tham gia và tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong xu thế toàn cầu phát triển bền vững, doanh nghiệp Việt không tách rời dòng chảy đó, mà cần thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững để nắm bắt các cơ hội, quản trị các rủi ro, tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát nhận thức về ESG của các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng do Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) thực hiện mới đây, chỉ có 25% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát triển khai ESG. Trong khi đó, có tới 75% doanh nghiệp được hỏi vẫn xếp ESG "trên giấy", bao gồm: 7% doanh nghiệp đã lên kế hoạch nhằm chủ động triển khai ESG nhưng chưa thực hiện, 47% cân nhắc sẽ chủ động triển khai ESG sớm và 21% doanh nghiệp không cân nhắc chủ động triển khai ESG trong 2 - 4 năm tới. Đáng chú ý, theo IPSC, trong số các doanh nghiệp không cân nhắc chủ động triển khai ESG trong 2-4 năm tới, có tới 60% doanh nghiệp chưa đưa ra cam kết ESG là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân triển khai ESG, hướng tới tăng trưởng bền vững - Ảnh 1.

Ông Mark Birnbaum - Giám đốc Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) trình bày các kết quả khảo sát

Nguyên nhân chính khiến các công ty vẫn chưa đưa ra kế hoạch thực hiện bất kỳ cam kết nào liên quan đến ESG là thiếu kiến thức. Trong đó, việc các doanh nghiệp còn e ngại có thể do có quá nhiều thông tin ESG nhưng chưa rõ ràng và những chi phí phát sinh do thực hiện ESG.

Những con số trên cho thấy việc thực hành ESG ở Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn ở mức sơ khai Việc tập trung xây dựng kiến thức cũng như năng lực cho doanh nghiệp khối tư nhân trong thời gian tới là hết sức cần thiết.

Đứng trước yêu cầu đó, Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), và Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố một sáng kiến mới hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng phát triển bền vững bằng cách thúc đẩy thực hành Môi trường, Xã hội và Quản trị (gọi tắt là ESG).

Thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân triển khai ESG, hướng tới tăng trưởng bền vững - Ảnh 2.

Quang cảnh lễ khởi động Sáng kiến thức đẩy thực hành Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) sáng 22/11/2022 tại Hà Nội

Phát biểu tại hội thảo, ông Mark Birnbaum - Giám đốc Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) cho biết: "Đây là một sáng kiến về ESG đầu tiên ở Việt Nam được triển khai cho doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng. Thông qua Dự án USAID IPSC, chúng tôi sẽ nâng cao nhận thức cho 100.000 doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng về ESG; Triển khai gói hỗ trợ kỹ thuật về ESG cho 300 doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững của các thị trường xuất khẩu trọng tâm, phát triển mô hình kinh doanh bao trùm, sản xuất xanh; tài trợ thí điểm, triển khai hoặc nhân rộng 10 sáng kiến ESG xuất sắc nhằm lan tỏa các mô hình kinh doanh bền vững với tổng giá trị hỗ trợ kỹ thuật lên tới 6 tỉ đồng".

Sáng kiến mới này tập trung vào việc cải thiện các khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy thực hành ESG trong khu vực tư nhân, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng về thực hành ESG. Nỗ lực này phù hợp với Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 167 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững".

Thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân triển khai ESG, hướng tới tăng trưởng bền vững - Ảnh 3.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp hoan nghênh sáng kiến này. Bà Đinh Hoài Giang – Tổng giám đốc công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Secoin cho biết: "Hơn 30 năm hoạt động, xuất khẩu sản phẩm gạch không nung ra thị trường 60 nước trên thế giới, công ty chúng tôi nhận định ESG là điều vô cùng cần thiết đối với doanh nghiệp, là yếu tố quan trọng thể hiện sự hoạt động và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đây là thế mạnh, là lợi thế cạnh tranh để doanh nghiệp chúng tôi ký kết được các đơn hàng với bạn hàng quốc tế, nhất là những thị trường khó tính. Tham gia sáng kiến này, chúng tôi sẽ có cơ hội thực hành ESG bài bản hơn, có nhận thức đầy đủ hơn và mong lan tỏa rộng rãi việc thực hành ESG ra đông đảo doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam".

Thông qua sáng kiến này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư cho bền vững trong doanh nghiệp tư nhân, qua đó góp phần tăng cường sức cạnh tranh, giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, và tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước