Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Số tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước 6 tháng đầu năm nay đạt trên 28.000 tỷ đồng. Đã có một số tín hiệu cho thấy chất lượng và độ sâu của cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được cải thiện. Tuy vậy, công việc này vẫn đang chậm so với kế hoạch. Để thoái vốn hiệu quả và nhanh hơn, nhiều ý kiến cho rằng không thể trì hoãn việc niêm yết các doanh nghiệp.
Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội là những doanh nghiệp có tên trong danh sách 85 doanh nghiệp phải cổ phần hóa năm nay nhưng đã quá nửa năm trôi qua vẫn chưa biết khi nào mới thực hiện được. Điểm nghẽn chung được nhắc đến nhiều nhất là xác định giá trị doanh nghiệp và phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp này.
Không chỉ cổ phần hóa chậm tiến độ, đến nay công tác thoái vốn cũng chỉ mới thực hiện chưa đến 10% kế hoạch. Theo quy định, doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa sẽ niêm yết trên sàn nhưng hiện có đến hàng trăm doanh nghiệp trì hoãn niêm yết nhiều năm qua khiến cho việc thoái vốn doanh nghiệp hậu cổ phần hóa càng trở nên khó khăn hơn.
Năm 2017, Bộ Tài chính đã công khai danh tính của 747 doanh nghiệp chưa niêm yết, đến nay mới chỉ thực hiện được khoảng 20% danh sách này, vì thế, để thoái vốn hiệu quả và nhanh hơn, không thể trì hoãn việc này.
Doanh nghiệp khỏe hơn, minh bạch hơn cũng là cách để thu hút các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần doanh nghiệp. Sabeco là thương vụ thoái vốn thành công nhất từ trước đến nay. Nhà tư vấn định giá khởi điểm chỉ hơn 184.000đ/CP nhưng khi niêm yết đã bán được với giá 320.000đ/CP. Chỉ sau 1 năm niêm yết, giá trị doanh nghiệp đã tăng gấp 3 lần là minh chứng cho việc tối đa hiệu quả thoái vốn qua niêm yết.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!