Từ năm 2000 đến nay, TP.HCM đã hoàn thành 22 dự án đối tác công tư PPP, với tổng vốn lên đến 3 tỷ USD, tương ứng gần 70.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn 70% là dự án giao thông.
Một lượng dự án với quy mô gấp 5 lần như thế đang tiếp tục được thành phố thực hiện nhưng đã phải tạm dừng toàn bộ gần 2 năm trở lại đây sau khi bộc lộ những bất cập, sai sót của hình thức này.
Cầu Phú Mỹ là 1 trong 6 dự án BT, BOT tại TP.HCM từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra là có sai sót trong quá trình chỉ định thầu, làm tăng sai 2.100 tỷ đồng. Sau đó, phía chính quyền TP.HCM giải thích đây không phải là tiền thất thoát mà chỉ là con số bị vênh do thiếu sót giấy tờ nên chỉ cần bổ sung giấy tờ là có thể sửa sai. Qua đó có thể thấy, trong bối cảnh chung là hành lang pháp lý cho vấn đề này vẫn chưa rõ ràng, việc TP.HCM có thể xây dựng đươc quy trình đảm bảo minh bạch cho các dự án sau này là thách thức rất lớn.
Theo UBND Thành phố, trước đây, ngay từ khâu ban đầu là đề xuất dự án, thành phố đã gặp khó khăn trong việc kiểm soát do thiếu nguồn lực tài chính nên không thể tự nghiên cứu dự án làm cơ sở để đứng ra đề xuất, đấu thầu chọn nhà đầu tư tốt nhất mà phải phụ thuộc vào nhà đầu tư đề xuất.
Giới chuyên gia nhận định quy trình mới sắp tới sẽ phải đòi hỏi vai trò và trách nhiệm lớn hơn nhiều từ phía chính quyền.
Đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, Luật Quản lý Sử dụng Tài sản công đã có hiệu lực từ hơn 1 năm qua, cũng như sắp tới đây là Luật về Hợp tác Công tư PPP sẽ bổ sung đáng kể vào khung pháp lý để có thể xây dựng quy trình cụ thể giúp giải quyết bài toán hóc búa PPP.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!