Thuế doanh nghiệp toàn cầu: Các công ty đa quốc gia hết đường "né thuế"?

Theo VOV-Thứ ba, ngày 08/06/2021 07:28 GMT+7

VTV.vn - Các nước G7 vừa đạt được thỏa thuận về thuế DN toàn cầu. Đây được cho là tin không hay đối với các "thiên đường thuế" và khiến các công ty đa quốc gia hết đường "né thuế".

Các nước giàu có nằm trong nhóm G7 vừa đạt được thỏa thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp toàn cầu, có thể buộc các công ty đa quốc gia như Microsoft, Google, Apple và Amazon phải đóng nhiều thuế hơn và hạn chế việc chuyển lợi nhuận tới các "thiên đường" đánh thuế thấp ở nước ngoài.

Thuế doanh nghiệp toàn cầu: Các công ty đa quốc gia hết đường né thuế? - Ảnh 1.

Các "ông lớn" toàn cầu sẽ phải đóng nhiều thuế hơn.

Hàng trăm tỷ USD tiền thuế sẽ giúp đối phó với khủng hoảng do COVID-19

Với việc các nền kinh tế phát triển G7 (bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Italy và Nhật Bản) và Liên minh châu Âu (EU) đồng ý ủng hộ đánh thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu ở mức tối thiểu 15%, hàng trăm tỷ USD có thể sẽ chảy vào túi của chính phủ các nước đang kiệt quệ tiền bạc vì đại dịch COVID-19.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, các bộ trưởng tài chính G7 đã đạt được một cam kết quan trọng và chưa từng có, giúp chấm dứt "cuộc chạy đua xuống đáy". Trong cuộc chạy đua xuống đáy này, các nước cạnh tranh để thu hút các tập đoàn lớn bằng cách áp mức thuế rất thấp hoặc miễn thuế. Tuy nhiên, cuộc đua này đã phá hoại những khoản thu quý giá có thể giúp thực hiện các vấn đề ưu tiên của chính phủ như y tế và giáo dục.

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho rằng, thỏa thuận này là tin xấu với các "thiên đường thuế" trên thế giới. "Các công ty sẽ không còn ở vị trí mà họ có thể trốn tránh nghĩa vụ thuế bằng cách kiếm lời ở những quốc gia đánh thuế thấp nhất" - ông Olaf Scholz nói.

Thỏa thuận đạt được không nói rõ quy định thuế sẽ áp dụng với những doanh nghiệp nào, mà chỉ đề cập tới các "doanh nghiệp đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận nhiều nhất".

Rõ ràng, thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới những gã khổng lồ đa quốc gia như Apple, Facebook, Google, Amazon,... Trên thực tế, việc các doanh nghiệp toàn cầu chuyển giá nhằm trốn thuế không còn là chuyện mới và đang là vấn đề gây "đau đầu" cho nhiều quốc gia.

Chính vì vậy, thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu mà các nước phát triển G7 vừa đạt được được kỳ vọng sẽ là công cụ hữu hiệu để giải quyết vấn đề này. Động thái này sẽ giúp nền kinh tế toàn cầu phát triển mạnh, bằng tạo sân chơi công bằng cho doanh nghiệp và khuyến khích các nước cạnh tranh trên những cơ sở tích cực.

Dự kiến, sau thỏa thuận lịch sử của G7, các đề xuất về thuế doanh nghiệp toàn cầu cũng sẽ được thảo luận bởi các thành viên trong nhóm G20, trong đó có 2 nền kinh tế lớn là Ấn Độ và Trung Quốc, tại cuộc họp vào tháng tới tại Venice (Italy).

Tại sao các nước giàu muốn đổi "luật chơi"?

Các chính phủ từ lâu đã phải vật lộn với thách thức đánh thuế các công ty toàn cầu hoạt động trên nhiều quốc gia. Thách thức đó ngày càng lớn với sự bùng nổ của các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Amazon và Facebook. Hiện tại, các công ty có thể thành lập các chi nhánh địa phương ở các quốc gia có thuế suất doanh nghiệp tương đối thấp và khai báo lợi nhuận ở đó. Điều đó có nghĩa là họ chỉ phải trả thuế suất địa phương, ngay cả khi lợi nhuận chủ yếu đến từ việc bán hàng ở nơi khác.

Thỏa thuận về thuế doanh nghiệp toàn cầu nhằm ngăn chặn điều này xảy ra theo hai cách. Thứ nhất, G7 sẽ khiến các công ty phải trả nhiều thuế hơn ở những quốc gia mà họ đang bán sản phẩm hoặc dịch vụ của mình, thay vì bất cứ nơi nào họ khai báo lợi nhuận. Thứ hai, G7 muốn có một mức thuế tối thiểu toàn cầu để tránh các nước cạnh tranh nhau bằng mức thuế thấp.

Các tập đoàn lớn đã phản ứng thế nào?

Đại diện một số "gã khổng lồ" công nghệ đã lên tiếng nhận định về thỏa thuận đánh thuế doanh nghiệp tối thiểu. Nick Clegg Nick Clegg, Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông và đối ngoại toàn cầu của Facebook cho biết: "Chúng tôi muốn quá trình cải cách thuế quốc tế thành công và công nhận điều này có nghĩa là Facebook phải trả nhiều thuế hơn và ở những nơi khác nhau".

Người phát ngôn của Amazon cho biết thỏa thuận này là một "bước tiến" trong việc mang lại "sự ổn định cho hệ thống thuế quốc tế".

Đại diện của Google nêu quan điểm: "Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ công việc đang được thực hiện để cập nhật các quy tắc thuế quốc tế. Chúng tôi hy vọng các quốc gia tiếp tục làm việc cùng nhau để đảm bảo một thỏa thuận cân bằng và lâu dài sẽ sớm được hoàn thiện".

Người phát ngôn của Amazon đánh giá, kế hoạch đánh thuế của G7 là một bước tiến đáng hoan nghênh. "Chúng tôi hy vọng sẽ thấy các cuộc thảo luận tiến triển với G20 và liên minh bao trùm rộng hơn".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước