Thương mại điện tử "xáo trộn" mạnh do COVID-19

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 08/05/2020 06:12 GMT+7

VTV.vn - Ngành TMĐT được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ dịch COVID-19 tuy nhiên, những số liệu thị trường quý I cho thấy, bức tranh của ngành này không phải màu hồng

COVID-19 thổi bay "gà đẻ trứng vàng" của các sàn thương mại điện tử

Giới thương mại điện tử đã so sánh COVID-19 như một chương trình quảng cáo miễn phí lớn nhất họ từng có, bởi nó kích thích nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dùng một cách tự nhiên trong giai đoạn những cú bắt tay cũng phải hạn chế. Nhận định này có thể đúng, nhưng có vẻ là chưa đủ nếu nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh quý I của ông lớn Amazon.

Doanh thu tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái lên hơn 75 tỷ USD. Tuy nhiên, lợi nhuận lại giảm gần 31%. Một phần nguyên nhân do nhu cầu của khách hàng giai đoạn này là hàng hóa có biên lợi nhuận thấp như giấy vệ sinh hay sản phẩm tẩy rửa, thay vì quần áo hay món đồ công nghệ thời thượng nào đó.

Tương tự với thị trường Việt Nam, số liệu từ bộ phận nghiên cứu của iPrice cũng cho thấy, trong 4 doanh nghiệp đầu ngành đã có đến 3 doanh nghiệp ghi nhận sự sụt giảm về lượng truy cập website, trung bình toàn ngành giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2019.

Các ngành hàng điện tử và thời trang đã không còn là "gà đẻ trứng vàng". Các website thời trang giảm 38% lượng truy cập theo quý, trong khi hàng di động, điện máy chỉ tăng thấp 4-5%. COVID-19 có làm "quảng cáo" tốt tới đâu mà nhằm phải lúc túi tiền người dùng đang bị thắt chặt thì giá trị mà họ chi tiêu cũng sụt giảm.

Hiện đã có một sự dịch chuyển về ngành hàng thương mại điện tử tại Việt Nam. Nếu như tháng 1 là sự áp đảo của thời trang (53%) và điện tử - điện máy (15%), thì liên tiếp từ tháng 2 đến tháng 4, các mặt hàng về sức khỏe - làm đẹp lại vươn lên về tỷ trọng. Liệu điều này có dẫn đến sự chuyển dịch về chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp?

Doanh nghiệp thương mại điện tử đổi chiến lược thích ứng

Ngành hàng thời trang tại Tiki trong quý I sụt giảm so với quý IV năm ngoái, đặc biệt với các mặt hàng về vali, túi xách... Ngược lại, các mặt hàng nhu yếu phẩm tại tăng đột biến, trong 3 tháng đầu năm tăng trung bình 20% mỗi tháng.

Xét toàn thị trường, lượng truy cập vào các website hàng bách hóa quý I cũng tăng đến 45% so với quý trước. Bách hóa, nhu yếu phẩm cũng sẽ là những ngành hàng trọng tâm mới của Tiki trong thời gian tới để phù hợp với xu hướng chi tiêu thắt lưng buộc bụng của người dùng.

Dịch chuyển ngành hàng sẽ kéo theo cuộc cạnh tranh phát triển các tệp nhà bán mới giữa các sàn thương mại điện tử. Hiện nay, các doanh nghiệp đầu ngành đều đang tung ra nhiều chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô lên đến cả trăm tỷ đồng.

Đại diện Shopee cũng cho rằng rất khó để dự báo trước sức mua người dùng trong thời gian tới. Dù ngành hàng trọng tâm của thương mại điện tử có thể thay đổi, nhưng bài toán cạnh tranh về giá vẫn sẽ là yếu tố khiến doanh nghiệp đau đầu. Bởi giai đoạn này người dân đặc biệt nhạy cảm khi chi tiêu.

Nếu các ngành hàng giá trị cao không còn là sân chơi chính của doanh nghiệp thương mại điện tử thì trong trạng thái bình thường mới, để khôi phục kinh tế, đâu sẽ là những ngành hàng trọng yếu để cạnh tranh? Câu trả lời các doanh nghiệp đang đưa ra đó chính là bách hóa và thực phẩm tươi sống. Vốn đều là những ngành hàng nằm trong kế hoạch phát triển ở thì tương lai đối với ngành thương mại điện tử, nhưng chất xúc tác COVID-19 đã "đốt cháy" giai đoạn chuyển giao, khiến nhu cầu các ngành này đặc biệt tăng cao trong dịch và được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng mới của thương mại điện tử trong khoảng 1 năm tới đây.

Hàng tươi sống - "Cuộc chiến" tương lai?

Các doanh nghiệp nền tảng công nghệ đã có cuộc "đổ bộ" vào mảng thực phẩm tươi sống trong cao điểm dịch bệnh. Nhóm thương mại điện tử mới nhất có Tiki vừa nhảy vào cuộc đua ngày 7/5, nhưng Lazada và Sendo đã nhanh chân làm điều này từ cách đó 1 tháng.

Theo đại diện Sendo, ngành hàng bách hóa - thực phẩm hiện chiếm đến 15-20% tổng giao dịch toàn sàn này, tăng đến 7 lần so với chỉ vài tháng trước đó. Tốc độ tăng trưởng của riêng hàng tươi sống ở mức vượt xa mọi trông đợi và sẽ mang tính dài hạn.

Đặc thù của hàng tươi sống đặt ra nhiều thách thức về quản trị chuỗi cung ứng giao vận. Với Bách hóa xanh, dù đã có sẵn chuỗi 500 cửa hàng bách hóa và các tổng kho nhưng khi giao đơn hàng trực tuyến vẫn gặp tình trạng hụt hàng, hoặc hàng chưa đáp ứng được nhu cầu của khách... Vì vậy, năm nay, doanh nghiệp sẽ mở mới 3 trung tâm phân phối để cải thiện quy trình.

Theo tổ chức nghiên cứu Hexa Research, thị trường dịch vụ giao thực phẩm toàn cầu sẽ đạt giá trị gần 9 tỷ USD đến năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt gần 18%. Giới chuyên gia cho rằng, tại Việt Nam, đại dịch vô hình trung đã thúc đẩy doanh nghiệp làm tập trung và chất lượng hơn mảng thị trường vốn có nhu cầu rất cao này.

Ẩn số APP di động

Một ẩn số khác trong cuộc cạnh tranh thương mại điện tử thời gian tới đó là vai trò của các ứng dụng di động. Thời gian cao điểm dịch vừa qua, doanh nghiệp cắt giảm nhiều loại chi phí quảng cáo khuyến mãi nhưng lại đẩy mạnh các tính năng livestream và game tương tác trên ứng dụng rất rõ.

Có doanh nghiệp làm đến hàng trăm tập livestream để kết nối các nhà bán, thương hiệu với người dùng. Vì muốn tranh thủ thời thời điểm người dân có nhiều thời gian dành cho các thiết bị di động để tăng tương tác, gắn kết của người dùng, phục vụ cho những mục tiêu lâu dài hơn.

Thứ hạng về lượt tải các ứng dụng thương mại điện tử trên Appstore và Google Play trong quý I cũng cho thấy một bức tranh khác. Lazada Việt Nam tuy xếp thứ 3 sau Tiki về lượng truy cập web nhưng ở về lượt tải app lại vượt qua Tiki. Bách Hóa Xanh của Thế giới di động cũng lần đầu tiên nằm trong top 10 lượt tải app. Điều này cho thấy tiềm năng bứt phá của các app bán hàng bách hóa, tươi sống...

Cuộc cạnh tranh thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn liên tục thay đổi qua từng quý, mỗi doanh nghiệp một thế mạnh và chưa có ai là người thắng cuộc tuyệt đối. COVID-19 chỉ làm cho cuộc so găng này trở nên gay cấn và dễ biến chuyển hơn. Qúy I vừa qua có ý nghĩa thăm dò là chính, cuộc cạnh tranh trong bối cảnh mới sẽ rõ ràng hơn trong quý II.

Đồng loạt triển khai các gói kích cầu trong thương mại điện tử Đồng loạt triển khai các gói kích cầu trong thương mại điện tử

VTV.vn - Quy mô ước tính của các gói này có thể lên đến vài trăm tỷ đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước