Thống kê sơ bộ của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, những ngành bị ảnh hưởng do tình hình thế giới như dệt may, da giày… có mức thưởng Tết giảm từ 15 - 20%.
Còn ở phần lớn các lĩnh vực còn lại, mức thưởng Tết tương đương từ 1 - 2 tháng lương. Như tại TP Hồ Chí Minh, mức thưởng bình quân của mỗi lao động là 12,88 triệu đồng, tăng hơn 45% so với năm ngoái. Còn tại Bình Dương là 6,1 triệu đồng. Hậu Giang là 11,9 triệu đồng….
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: "Chúng tôi chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng để thống nhất lương thưởng. Nhiều doanh nghiệp có mức lương thưởng cao hơn trước 30 - 40% như ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai".
Thưởng Tết 2023 phổ biến 1 tháng lương. Ảnh minh họa.
Thưởng Tết: Doanh nghiệp nỗ lực - Người lao động chia sẻ
Mức thưởng có thể có sự chênh lệch nhưng nhìn chung đây vẫn là nỗ lực đáng trân trọng của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Còn với người lao động, năm nay là một năm chia sẻ để gắn bó hơn với nhà máy, với doanh nghiệp.
Mặc dù ngành điện - điện tử còn gặp nhiều thách thức trong năm 2022, nhưng Công ty Datalogic Việt Nam vẫn nỗ lực để duy trì đà tăng trưởng trên 10%. Doanh nghiệp cũng cam kết thưởng Tết là 1 tháng lương cho người lao động theo đúng thoả ước đặt ra từ đầu năm.
Ông Đặng Văn Chung - Tổng Giám đốc Công ty Datalogic Việt Nam cho hay: "Cân đối, tính toán ngân sách thì đã dự trù cả năm trước rồi. Trong chính sách của công ty và thoả ước lao động tập thể đã có tháng lương 13. Đây là cam kết của công ty, không vì những khó khăn mà mình bỏ qua điều đấy".
Các doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày cũng đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường ngách và thị trường nội địa để giữ việc cho công nhân. Nhờ vậy, các doanh nghiệp duy trì mức thưởng Tết tương đương năm ngoái, tức 1 tháng lương thực lĩnh.
"Công ty trích lợi nhuận ở mức tối đa để lo tháng lương 13 và các phần thưởng cuối năm cho công nhân, để họ yên tâm gắn bó", ông Nguyễn Bá Tường - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Chang Shuen cho hay.
Bà Phan Lê Diễm Trang - Giám đốc Công ty May mặc NALT nói: "Tết thì phải vui nên các doanh nghiệp ngành may nói chung và doanh nghiệp của tôi đều cố gắng ít nhất có thưởng Tết tháng lương thứ 13, dù là mức lương cơ bản. Anh em công nhân cũng hiểu được tình hình đơn hàng như thế nào và họ cũng rất chia sẻ với mình".
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn nỗ lực duy trì thưởng Tết để khích lệ người lao động. Ảnh minh họa.
"Trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng", sự động viên kịp thời, đúng lúc đã mang lại ý nghĩa và sự khích lệ cho người lao động.
"Có thưởng Tết là vui lắm rồi để trang trải cuộc sống. Tết thì ai cũng cần tiền cả, có thưởng đỡ hơn phần nào", anh Nguyễn Thành Hiệu - một công nhân chia sẻ.
Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, đã phân bổ khoảng 500 tỷ đồng về các địa phương để chăm lo Tết cho công nhân. Dự kiến có khoảng 1 triệu đoàn viên, người lao động khó khăn… được hỗ trợ mức 500.000 đồng/người.
Mặc dù thưởng Tết là không phải quy định bắt buộc nhưng từ nhiều năm nay thưởng Tết đã là một nét văn hóa, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động.
Từ những câu chuyện trên, có thể thấy là bên cạnh những chỉ đạo của Chính phủ, sự chủ động của chính quyền địa phương thì sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và sự sẻ chia của người lao động là cốt lõi để tạo nên sự bền vững của thị trường lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!