"Tình trạng sa thải lao động gia tăng khi các doanh nghiệp đánh giá lại diễn biến tình hình dịch bệnh và triển vọng các gói cứu trợ của liên bang" là tiêu đề của bài viết trên tờ Thời báo New York số ra ngày 1/10 vừa qua.
Theo bài viết, một loạt doanh nghiệp lớn của Mỹ đang tiến hành cắt giảm lượng lớn nhân công khi tương lai của gói cứu trợ mới vẫn còn mù mịt.
Bắt đầu từ 1/10, hai hãng hàng không hàng đầu của Mỹ là United Airlines và American Airlines sẽ cho hơn 30.000 lao động nghỉ việc không lương. Ngày 30/9, hãng Disney, với hai công viên giải trí lớn tại bang California và Florida, cũng tuyên bố sẽ cho 28.000 lao động nghỉ việc. Một số doanh nghiệp lớn khác cũng cho biết sẽ cắt giảm từ 8 - 22% lao động.
Trong khi các gói cứu trợ kinh tế đã hết hạn từ cuối tháng 7, cuộc tranh luận xung quanh gói cứu trợ mới vẫn đang bế tắc. Các nghị sĩ đảng Dân chủ đề xuất gói cứu trợ trị giá 2,2 ngàn tỷ USD, trong khi Nhà Trắng đưa ra kế hoạch 1,6 ngàn tỷ USD.
Tình trạng sa thải lao động tại Mỹ gia tăng khi các doanh nghiệp đánh giá lại diễn biến tình hình dịch bệnh. (Ảnh: Reuters)
Mất việc làm và khoản cứu trợ mới bị trì hoãn khiến thu nhập của các hộ gia đình giảm, dẫn đến chi tiêu tiêu dùng giảm, đang đe dọa làm chậm lại tiến trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ là nhận định của tờ Tạp chí Phố Wall số ra ngày 1/10 mới đây.
Bài viết dẫn số liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 1/10 cho thấy thu nhập cá nhân của người dân Mỹ trong tháng 8, vốn bao gồm lương, lãi suất đầu tư và trợ cấp của chính phủ, đã giảm 2,7%. Dù số lượng người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đang có dấu hiệu giảm nhẹ, nhưng hiện vẫn còn tới 12 triệu người lao động Mỹ đang phải sống dựa vào các khoản trợ cấp thất nghiệp. Thực trạng này khiến chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ đang có xu hướng giảm.
Cụ thể, chi tiêu tiêu dùng của người dân Mỹ tăng 9% trong tháng 5, giảm còn 7% trong tháng 6, 2% trong tháng 7 và còn 1% trong tháng 8. Chi tiêu trong các lĩnh vực dịch vụ như: nhà hàng, khách sạn và hàng không vẫn tiếp tục ở mức rất thấp.
Chi tiêu tiêu dùng trong tháng 7, 8 ở Mỹ giảm mạnh so với tháng 5 và tháng 6. (Ảnh: Reuters)
Thu nhập giảm không chỉ làm giảm chi tiêu tiêu dùng, mà còn làm gia tăng các khoản nợ của các hộ gia đình. Điều này càng làm gia tăng thách thức đối với tiến trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ, nhất là khi một bài viết cũng trên tờ Tạp chí Phố Wall còn cho thấy một tình trạng nợ nần chồng chất ngay trước khi dịch COVID-19 bùng phát
Sau nhiều năm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ duy trì mức lãi suất cực thấp, tổng dư nợ của người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ Mỹ đến cuối năm 2019 đã lên tới mức 64.000 tỷ USD, gấp hơn 3 lần tổng thu nhập quốc nội (GDP) của nước này.
Những khoản nợ khác nhau sẽ có tác động khác nhau tới tiến trình phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, quan trọng nhất là khoản nợ trong chi tiêu tiêu dùng, vốn đóng góp tới 70% giá trị của nền kinh tế Mỹ. Theo nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, khoản nợ của các hộ gia đình ở mức càng cao sẽ càng kéo dài tình trạng suy thoái cũng như mức độ nghiêm trọng của nó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!