Tính chung giai đoạn 2016 - 2020, cả nước đã cắt giảm hơn một nửa số điều kiện kinh doanh. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương chiều 28/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cho biết, tính chung giai đoạn 2016 - 2020, cả nước đã cắt giảm hơn một nửa số điều kiện kinh doanh, gần 2/3 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Trên 1.500 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành chồng chéo đã được xử lý.
Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng giao cơ quan hải quan làm đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu được khẩn trương xây dựng. "Việc này đã giúp tiết kiệm cho xã hội, người dân, doanh nghiệp khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương 6.300 tỷ đồng/năm", Bộ trưởng cho hay.
Những nỗ lực và kết quả đạt được nêu trên của các bộ, cơ quan, địa phương đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong các xếp hạng quốc tế: Xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016 - 2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế; Xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc giai đoạn 2018 - 2019, từ 77 lên 67/141 quốc gia; Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 của Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia, nền kinh tế, giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.
Cán bộ Trung tâm hành chính công tỉnh Hà Tĩnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. (Ảnh: TTXVN)
Về xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, chiến lược, đề án, kế hoạch, bảo đảm hành lang pháp lý cho việc xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Nhiều hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương được đưa vào vận hành, giúp đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan Nhà nước cũng như cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
Đó là các hệ thống: Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet); Cổng Dịch vụ công quốc gia sau một năm vận hành; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
“Theo cách tính của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tổng chi phí tiết kiệm cho xã hội ước tính trên 8.500 tỷ đồng/năm từ các hệ thống trên”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Đồng thời, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam duy trì nâng hạng bảng xếp hạng xây dựng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc. Năm 2020, Liên Hợp Quốc xếp hạng Chính phủ điện của Việt Nam xếp thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ tăng 2 bậc so với năm 2018, duy trì việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014-2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86, được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử ở mức cao và cao hơn chỉ số trung bình thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!