Cụ thể, với hai bị đơn bắt buộc, công ty Minh Quý bị áp mức thuế 7,88%, tăng so với mức 5,08% trong phán quyết sơ bộ, trong khi đó, mức thuế dành cho sản phẩm của công ty Nha Trang Seafoods giảm mạnh chỉ còn 1,15% so với mức 7,05% trong phán quyết sơ bộ. Mức thuế chung cho tất cả các công ty khác của Việt Nam được điều chỉnh giảm từ 6,07% xuống còn 4,52%.
Mức thuế này sẽ được chính thức thực hiện từ ngày Phán quyết của Bộ Thương mại Mỹ được đăng Công báo Liên bang. Bộ Thương mại Mỹ cũng đã chính thức ra lệnh cho Tổng cục Hải quan và Bảo vệ biên giới của nước này tiến hành thu khoản tiền ký quỹ tương ứng với mức thuế suất chống trợ cấp từ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ kể từ sau ngày 4/6/2013.
Cũng theo phán quyết cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ, Indonesia và Thái Lan được miễn không phải nộp thuế, nhưng mức thuế suất chống trợ cấp đánh vào các bị đơn còn lại trong vụ kiện này cũng rất cao. Cụ thể: Trung Quốc 18,16%; Ecuador từ 10,13-13,51%; Ấn Độ từ 10,54-11,14% và Malaysia từ 10,80-54,50%.
Như vậy, mức thuế trong phán quyết cuối cùng này đã giảm hơn so với mức được đưa ra trong phán quyết sơ bộ hồi cuối tháng 5 vừa rồi và thấp hơn nhiều so với mức thuế đánh vào đại đa số các bị đơn khác của vụ kiện. Tuy nhiên, việc quyết định áp thuế chống trợ cấp này vẫn là một quyết định không công bằng của Bộ Thương mại Mỹ, gây ảnh hưởng lớn tới đời sống của hơn 600.000 người làm việc trong lĩnh vực nuôi, sản xuất, chế biến tôm tại Việt Nam.
‘ Ảnh: Vasep
Vậy đâu là cơ sở để có thể khẳng định phán quyết cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ về vụ kiện là thiếu cơ sở và không công bằng?
Theo kết luận điều tra, Bộ Thương mại Mỹ đã vin vào nhiều chính sách của Việt Nam để lập luận Chính phủ Việt Nam có trợ cấp cho ngành sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu. Bộ này cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ thông qua các quy hoạch phát triển; qua hỗ trợ lãi suất, qua chương trình tín dụng xuất khẩu, cho vay xuất khẩu, hay qua các chính sách ưu đãi thuế thu nhập, chính sách miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu tươi sống, miễn thuế thuê đất và mặt nước...
Tuy nhiên phía Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, cách xem xét như vậy là không hợp lý. Ví dụ: các điều khoản cho thuê đất với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm hoàn toàn giống với doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác, không có trợ cấp ưu đãi gì; hay các quy hoạch, như quy hoạch phát triển ngành thủy sản đến 2010 - tầm nhìn đến 2020 trên thực tế chỉ cung cấp khung định hướng phát triển cho ngành này và không phải là những văn bản đề ra những trợ cấp cho ngành thủy sản.
Như vậy, những bước tiếp theo trong vụ kiện này là thế nào. Liệu chúng ta còn có cơ hội thay đổi tình thế?
Theo luật Mỹ, hiện Ủy ban Thương mại Quốc tế của nước này cũng đang song song tiến hành điều tra độc lập đối với mặt hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam và 6 quốc gia khác. Nếu Ủy ban này kết luận: trợ cấp của Chính phủ Việt Nam không gây thiệt hại về vật chất hoặc đe dọa thiệt hại về vật chất các doanh nghiệp Mỹ, thì vụ kiện sẽ được chấm dứt hoàn toàn và doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hoàn trả tiền ký quỹ.
Tối 13/8 theo giờ Việt Nam, tại Ủy ban Thương mại quốc tế đã diễn ra một cuộc điều trần nghe lập luận của các bên trong vụ kiện, trong đó có luật sư đại diện cho Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Dự kiến sau buổi điều trần, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ sẽ tiếp tục xem xét và sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 26/9 tới. Nếu Ủy ban này cho rằng các doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại do trợ cấp của Chính phủ Việt Nam, thì Bộ Thương mại Mỹ sẽ ra Lệnh về thuế chống trợ cấp, dự kiến sẽ công bố ngày 3/10.
Hiện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ vẫn đang tiếp tục làm việc với luật sư, tư vấn và phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ để theo đuổi vụ kiện này.
Ngày 14/8, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Vasep cũng đã ra Thông cáo phản đối quyết định này của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Thông cáo nêu rõ, Quyết định áp thuế chống trợ cấp là một sự áp đặt bất công với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam trong lúc các doanh nghiệp đang hoạt động theo cơ chế thị trường, không nhận trợ cấp của Nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng không nhận được bất kỳ trợ cấp riêng biệt nào cho ngành tôm trong nhiều năm qua.
Quyết định này, cùng với việc đánh thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ là một quyết định không công bằng, đánh hai loại thuế lên cùng một sản phẩm và gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hơn 600.000 nông dân, người làm chế biến và xuất khẩu tôm tại Việt Nam.
Đáng quan tâm hơn nữa, năm 2012, ngành tôm nội địa Hoa Kỳ đã có sự tăng trưởng đáng kể về cả sản lượng và giá cả, cho thấy tôm nhập khẩu không có khả năng gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến ngành tôm nội địa của Mỹ.