Hiện nay, việc sản xuất phôi thép hầu như bị đình trệ, hàng sản xuất ra tồn đọng không bán được. Ngay cả những doanh nghiệp có truyền thống trong ngành thép như Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên cũng không thoát khỏi tình cảnh này.
Hơn 100.000 tấn phôi của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã phải nằm trong kho cả vài tháng trời. Trong xưởng, vài chục nghìn tấn thép thành phẩm cũng chung số phận, sản xuất ra rồi lại chất đống, lò luyện gang có công suất hơn 300.000 tấn/năm thì nay cũng đang được “nghỉ ngơi” cả tháng trời. Khó tiêu thụ sản phẩm đã khiến doanh nghiệp phải cắt giảm 50% sản lượng.
Ông Hoàng Ngọc Diệp - Tổng giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cho biết: “Sản xuất hơn 300.000 tấn phôi, chúng tôi tính ra lỗ hơn 300 tỷ đồng".
Lỗ nhưng vẫn phải làm, bởi để đầu tư được 1 nhà máy sản xuất phôi, doanh nghiệp này đã phải bỏ ra hàng chục nghìn tỷ đồng, chi phí gấp 5 đến 7 lần so với một nhà máy cán thép. Trong khi đó, đặc tính của lò cao sản xuất ra gang lỏng là phải hoạt động liên tục ngày đêm, nếu dừng đột ngột thì máy sẽ hỏng.
Ông Hoàng Ngọc Diệp - Tổng giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên nói: "Nếu tình trạng cứ như thế này thì chúng tôi lại phải tính phương án dừng toàn bộ sản xuất phôi, dừng luyện thép, dừng 2 lò cao. Trước mắt là dừng, dài lâu phải tính đến phá sản. Nếu một ngành phải tính đến chuyện phá sản thì nguồn phôi sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài. Nếu không sản xuất nữa thì giá phôi lúc đó không phải 6,5 triệu đồng nữa mà 10 triệu đồng cũng phải mua".
Hiện nay, toàn quốc có 26 doanh nghiệp có sản xuất phôi thép cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự, phải cắt giảm sản lượng, bán dưới giá thành sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam phân tích: "Khi nhập khẩu 1,7 triệu tấn phôi tương đương với với sản lượng của 4-5 nhà máy thép, có nghĩa là khi nhập như vậy thì 4,5 nhà máy phải đóng cửa".
Trước thực trạng này, mới đây Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã cùng 3 công ty khác gửi đơn kiến nghị tới Bộ Công Thương, yêu cầu thực hiện các biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm phôi thép và thép cán dài nhập khẩu. Cụ thể, áp dụng thuế suất 45% với phôi thép và 33% với thép dài nhập khẩu, để khi sản phẩm này vào Việt Nam sẽ có giá tương đương sản phẩm trong nước. Động thái này cũng được trên 20 công ty sản xuất phôi thép khác ủng hộ ký vào biên bản.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, mới đây sau khi nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của 4 công ty trên, Bộ Công thương đã ra quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với phôi thép và thép dài được nhập khẩu vào Việt Nam trong thời gian 6 tháng. Sau khi có kết quả điều tra sẽ kết luận cụ thể về việc có áp thuế cho nhập khẩu phôi thép hay không.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!