Tổng cục Thuế cho biết đã nhận được Bản án số 115/2023/HS-ST ngày 29/12/2023 của Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ về xét xử sơ thẩm vụ án mua bán trái phép hóa đơn xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước.
Theo đó, Tòa án xác định trong thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2022, Nguyễn Minh Tú đã trực tiếp hoặc thông qua đối tượng trung gian sử dụng 637 công ty do Nguyễn Minh Tú mua lại để bán trái phép 1.025.712 hóa đơn giá trị gia tăng cho 88.053 đơn vị, tổ chức và thành lập 6 công ty tài chính để hợp thức hóa việc thanh toán qua ngân hàng.
Liên quan đến nội dung này, Tổng cục Thuế cho biết, theo kết luận của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ, trong số 637 công ty nêu trên có 524 công ty đã từng bị công khai danh sách tại Công văn số 1798/TCT-TTKT ngày 16/5/2023. Trong danh sách lần này có thêm 113 công ty bán hóa đơn trái phép mới.
Theo danh sách của cơ quan thuế công khai, trong số 113 doanh nghiệp này, có tới 99 doanh nghiệp có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại Tp. Hồ Chí Minh như Công ty TNHH Vật tư máy móc thiết bị y tế Long Châu, Công ty TNHH XNK Kinh doanh vận tải nhiên liệu Vitesco, Công ty TNHH Thương mại sản xuất và thu gom phế liệu Hòa Phát…; 14 doanh nghiệp còn lại có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại Tp. Hà Nội như Công ty TNHH Du lịch khách sạn nhà hàng Vạn Hoa, Công ty TNHH Thương mại sản xuất gỗ Hoàng Long… và tỉnh Khánh Hoà.
Để tiếp tục xử lý thuế đối với các hành vi mua, bán hóa đơn trái pháp luật, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế thực hiện khai thác dữ liệu hóa đơn điện tử, thu thập hóa đơn giấy của 113 công ty để áp dụng các biện pháp quản lý thuế theo quy định. Trường hợp phát hiện người nộp thuế thuộc cơ quan thuế quản lý có sử dụng hóa đơn của 113 công ty trên đây để kê khai thuế thì xem xét, xử lý thuế, hóa đơn theo quy định.
Đồng thời, đề nghị các cục thuế tiến hành rà soát, có báo cáo tổng hợp chung kết quả xử lý về thuế, hóa đơn đối với người nộp thuế đã sử dụng hóa đơn của 637 công ty về Tổng cục Thuế.
Trước đó, năm 2023, qua phối hợp với các cơ quan chức năng, ngành thuế cũng đã phát hiện 524 công ty bán hóa đơn không hợp pháp, hóa đơn khống và đã công khai danh tính và khuyến cáo các công ty có hóa đơn đầu vào của 524 công ty bán hóa đơn không hợp pháp để chủ động rà soát và loại trừ các hóa đơn không hợp pháp, không có hàng hóa kèm theo để điều chỉnh kê khai, hạch toán đúng nghĩa vụ thuế với nhà nước.
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tính từ khi triển khai đến hết ngày 19/7/2024, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý ước đạt 8,54 tỷ hóa đơn, trong đó 2,35 tỷ hóa đơn có mã và hơn 6,19 tỷ hóa đơn không mã.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, từ khi triển khai, hóa đơn điện tử đã giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, kết hợp với các thông tin quản lý thuế khác để xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp thuế, đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin phục vụ điều hành, dự báo, hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ luật về thuế và quản lý rủi ro trong quản lý thuế.
Tuy nhiên, dù đã chuyển đổi sang hóa đơn điện tử nhưng trên thực tế, việc gian lận hóa đơn vẫn diễn ra phức tạp. Các đối tượng vẫn mua bán hóa đơn điện tử qua lại giữa các công ty, hợp thức hóa hóa đơn chứng từ làm giảm số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, thu lời bất chính với số tiền lớn….
Do đó, thời gian qua ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp như đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, xác định tổ chức, cá nhân có rủi ro cao trong việc mua bán hóa đơn để xử lý; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý việc mua bán hóa đơn; hoàn thiện chính sách, quy trình nghiệp vụ quản lý thuế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!