Theo đó, các đơn vị kinh doanh vàng phải thực hiện nghiêm chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính, đồng thời tuân thủ pháp luật về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Các đơn vị này cũng được yêu cầu theo dõi chặt diễn biến hoạt động mua, bán vàng miếng, niêm yết công khai giá mua bán tại điểm giao dịch.
Yêu cầu trên được đưa ra trong bối cảnh các giao dịch mua bán vàng, bạc thường nhỏ lẻ, không đủ hóa đơn, chứng từ, thiếu tính minh bạch, chênh lệch giá trong nước và thế giới cao...
Theo báo cáo của Bộ Công an gần đây, các sơ sở kinh doanh vàng tại nhiều địa phương trên thực tế bán vàng trang sức mỹ nghệ nhưng không có hoá đơn chứng từ, người dân trả tiền mặt trực tiếp. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng nộp thuế theo hình thức khoán. Tình trạng này diễn ra trên diện rộng gây thất thu thuế lớn cho Nhà nước.
Giao dịch tại một cửa hàng vàng. (Ảnh: NLĐ)
Theo quy định hiện hành về phòng chống rửa tiền, các giao dịch giá trị lớn từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, các đơn vị kinh doanh vàng bạc, đá quý và công ty trung gian thanh toán phải nhận biết khách hàng (gồm thu thập, cập nhật, xác minh thông tin khách hàng) theo quy định về phòng chống rửa tiền. Việc này nhằm nhận diện mức độ rủi ro về rửa tiền và nguồn gốc tài sản của khách hàng.
Bên cạnh đó, Nghị định 24 về quản lý kinh doanh thị trường vàng quy định, các đơn vị cần chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn chứng từ. Doanh nghiệp phải niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về khối lượng, hàm lượng vàng, giá mua, bán các loại sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!