Có chuyên gia kinh tế còn nhận định kinh tế Việt Nam đang có cơ hội tăng trưởng gấp 10 lần trong thập kỷ tới.
Tại Hội nghị cấp cao về cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) do tạp chí Financial Times của Anh tổ chức tại Singapore mới đây với sự tham dự của các quan chức và chuyên gia kinh tế hàng đầu châu Á, các đại biểu đã nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên ASEAN, trong đó, kinh tế Việt Nam được đánh giá là tăng trưởng lành mạnh.
Ông Lim Hng Kiang, Bộ trưởng Bộ Công thương Singapore cho biết: “Triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế chính của Đông Nam Á cho chúng ta thêm lý do để lạc quan. Tăng trưởng GDP bình quân của 10 nước Asean trong vòng 5 năm qua là ở mức 2,9% cho Thái Lan, mức 5,9% đối với Việt Nam và Indonesia. Malaysia và Việt Nam đang trên đường đạt được những tăng trưởng lành mạnh trong năm 2014, với mức tăng trưởng lần lượt vào khoảng 5,5% và 5,8%”.
Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá cao tiềm năng đầu tư và phát triển của Việt Nam.
Tiến sỹ Fraser Thompson, Viện Nghiên cứu McKinsey Global nói: "Chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam đang thu hút được ngày càng nhiều hơn đầu tư và thương mại quốc tế. Ngoài ra, nếu nhìn vào Việt Nam ngày nay, chúng ta thấy một thị trường tiêu dùng lớn và đang tăng trưởng nhanh".
Nhà báo Martin Wolf, Tạp chí Financial Times chia sẻ: "Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Dù là một nước nghèo nhưng Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nhanh chóng. Với những chính sách tốt, nhất quán để hội nhập kinh tế thế giới, tôi cho rằng Việt Nam sẽ phát triển tốt".
Trong khi đó, Tiến sỹ Kenneth Gabriel một chuyên gia kinh tế Mỹ có uy tín và có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu về các mô hình kinh tế phát triển ở khu vực châu Á, cho rằng kinh tế Việt Nam đã có những sự chuyển mình rất lớn kể từ khi Việt Nam bắt đầu triển khai chính sách Đổi mới và Việt Nam hiện nay đang ở vị thế sẽ có thể tiếp tục tăng trưởng thêm 10 lần nữa lên mức 20,000 USD/người.
Tiến sỹ Kenneth Gabriel, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Doanh nghiệp, Đại học George Mason cho biết: “Công tác điều hành kinh tế vĩ mô ở Việt Nam tôi cho là tốt hơn nhiều so với ở nhiều nền kinh tế khác. Nếu so với các nước phát triển, ví dụ như ở châu Âu, trong đợt khủng hoảng vừa qua, hầu hết các nền kinh tế là giảm phát, Nhật Bản cũng phát triển không tốt. Từ năm 2008, khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra, tác động đến tất cả các nền kinh tế, Việt Nam đã luôn tăng trưởng ở mức 6-7%, đó là điều rất tốt, nhất là khi so sánh với các nước đã tăng trưởng âm. Do đó, nếu nói về điều hành vĩ mô, tôi ấn tượng với Việt Nam hơn rất nhiều các quốc gia khác. Tôi dự đoán rằng, nền kinh tế Việt Nam, với một môi trường quản lý phù hợp như từ thời kỳ Đổi mới trở lại đây, với trọng tâm là thúc đẩy sự minh bạch, thượng tôn pháp luật và mở cửa thị trường, thì việc duy trì mức độ tăng trưởng như thời gian qua là không khó”.
Việc các chuyên gia và tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về môi trường đầu tư Việt Nam cho thấy môi trường kinh tế nước ta đang có những tiến triển thực chất. Đây là tiền đề quan trọng cho việc đẩy nhanh phát triển kinh tế nội địa cũng như hòa nhập mạnh hơn vào nền kinh tế khu vực trong năm 2015 tới, năm hoàn thành mục tiêu xây dựng cộng đồng chung ASEAN.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.