Để đạt mục tiêu này, việc củng cố thị trường và những thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam cần phải được đặc biệt chú trọng.
60-70% lượng thành phẩm của Công ty Nam Thái Sơn chuyên sản xuất bao bì là để xuất khẩu tới các thị trường truyền thống như châu Âu, Nhật Bản. Thế nhưng nguyên liệu đầu vào, cụ thể là hạt nhựa, doanh nghiệp phải nhập khẩu gần như 100%. Toàn bộ dây chuyền, máy móc, công ty cũng phụ thuộc vào nhà cung cấp từ Trung Quốc.
Trong lĩnh vực nông sản thì không chỉ doanh nhân Việt, mà ngay cả những công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng vấp phải không ít khó khăn.
Ông Steven Ang - Phó Giám đốc Mua hàng, Công ty TNHH Saigon Co-op Fairprice cho biết: “Vấn đề lớn nhất khi nhập nông sản Việt Nam sang Singapore như gạo là phải giữ được sự ổn định về chất lượng, trong khi với trái cây như xoài, thanh long... là bảo quản”.
Bên cạnh đó, những hạn chế về chất lượng sản phẩm, sự đầu tư chưa đúng mức cho hoạt động quảng bá, tiếp thị... vẫn là những tồn tại xưa nay của xuất nhập khẩu Việt Nam. Một trong những giải pháp Bộ Công Thương đưa ra tại Diễn đàn xuất khẩu 2014 là chú trọng phát triển nguồn hàng, phát huy lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới để mở rộng thị trường. Tuy nhiên, không nên lơ là việc mở rộng thị trường Trung Quốc, cả trước mắt lẫn lâu dài.
Ông Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng: “Cần đa dạng hóa thị trường nhằm tránh tình trạng xâm lấn thị phần thái quá của một sản phẩm, của một thị trường, từ đó kích thích tâm lý sử dụng các công cụ bảo hộ phi thuế quan của nước sở tại”.
Theo các chuyên gia, để làm được điều này, đặc biệt cần vai trò hỗ trợ của Chính phủ và các Hiệp hội ngành nghề có liên quan, nhất là Tham tán thương mại tại các nước.