Triển vọng dòng tiền khối ngoại năm 2025

VTV Digital-Thứ năm, ngày 09/01/2025 11:02 GMT+7

VTV.vn - Năm 2025 chu kỳ lãi suất đang đảo chiều, tỷ giá hạ nhiệt và chính sách thu hút đầu tư được thúc đẩy. Động lực mạnh mẽ sẽ đón dòng vốn ngoại trở lại thị trường chứng khoán.

Hơn 3,5 tỷ USD giá trị bán ròng kỷ lục của khối ngoại trong năm qua. Đây cũng là xu hướng chung tại nhiều thị trường cận biên và mới nổi. Tuy nhiên, năm 2025 đang mở ra nhiều cơ hội, chu kỳ lãi suất đang đảo chiều, tỷ giá hạ nhiệt và chính sách thu hút đầu tư được thúc đẩy. Động lực mạnh mẽ đón dòng vốn ngoại trở lại thị trường chứng khoán.

"Khối ngoại bán ròng" là từ khóa được nhắc đến rất nhiều trong năm qua trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhắc lại một chút thì các nhà đầu tư ngoại đã tham gia vào thị trường của chúng ta từ rất sớm và đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển chung. Chính vì thế khi dòng vốn này dịch chuyển, đã tạo ra không ít khó khăn cho thị trường, đáng nói năm vừa qua, các nhà đầu tư ngoại đã bán ròng mạnh nhất kể từ trước tới nay.

3,5 tỷ USD, tương ứng với hơn 90.000 tỷ đồng, con số kỷ lục bán ròng của khối ngoại năm 2024, vậy đằng sau con số này là: Lãi suất - Chiến lược - Tâm lý

Đầu tiên là lãi suất: Dù xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ đã bắt đầu nhưng tốc độ lại chậm hơn dự kiến, năm qua Fed chỉ cắt giảm lãi suất 3 lần, tương ứng 1 điểm %. Điều này khiến chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ vẫn ở mức cao và hệ quả là các nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn để tránh sự chênh lệch này.

Thứ 2 là chiến lược: Các quỹ đầu tư quốc tế thường xuyên điều chỉnh danh mục đầu tư của mình dựa trên tình hình kinh tế và xu hướng thị trường. Năm qua hiệu suất của thị trường chứng khoán Mỹ ở mức cao, DJ tăng hơn 20%, Nasdaq tăng gần 34% hay S&P500 tăng hơn 25%, nên họ rút bớt tiền ở thị trường cận biên như Việt Nam để dồn về thị trường có hiệu suất cao hơn là điều dễ hiểu.

Yếu tố cuối cùng là tâm lý: Năm qua, dù VN-Index tăng 12% nhưng thị trường khá phân hóa, khó kiếm lợi nhuận với những dòng tiền lớn. Mặt khác, tâm lý lo ngại từ rủi ro từ các thị trường cân biên và mới nổi nói chung cũng khiến nhà đầu tư ngoại rút bớt nguồn vốn để bảo toàn hiệu suất.

Triển vọng dòng tiền khối ngoại năm 2025 - Ảnh 1.

Hơn 3,5 tỷ USD giá trị bán ròng kỷ lục của khối ngoại trong năm qua. Đây cũng là xu hướng chung tại nhiều thị trường cận biên và mới nổi năm 2024.

Ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng - Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo kinh tế cho biết: "Chênh lệch lãi suất đồng USD cao hơn, tức là đồng tiền đô khan hiếm hơn ở những nơi khác thì người ta bán ở Việt Nam. Khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang bị ảnh hưởng với yếu tố tâm lý thì sẽ làm dòng tiền nước ngoài đi ra, nhà đầu tư trong nước cũng rụt rè hơn tâm lý hơn".

Chỉ số DXY - thể hiện sức mạnh đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt đã tăng hơn 7% trong năm qua, điều này cũng gây áp lực lên tỷ giá, VND mất giá khoảng 4,3% so với USD.

"Áp lực của DXY với VND có thể duy trì trong tháng 1/2025, nhưng sau ngày 20/1 ông Donal Trump nhậm chức thì áp lực có thể giảm đi. DXY đã bắt đầu tăng từ 2015, một chu kỳ 10 năm rồi, có lẽ năm 2025, vào nửa cuối năm thì chu kỳ đi xuống sẽ nhiều hơn", ông Vũ Duy Khánh - Giám đốc phân tích CTCP Chứng khoán SmartInvest chia sẻ.

Ngoài các nguyên nhân chính như trên, theo các chuyên gia, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua dao động quanh mức 14 lần, chưa quá hấp dẫn trong chu kỳ 5 năm, cổ phiếu niêm yết mới khiêm tốn, cộng thêm mức thanh khoản thấp khiến khối ngoại thêm phần thận trọng.

Đó là một số nguyên nhân khiến khối ngoại bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua. Nhưng đây cũng là xu hướng chung trên toàn cầu.

Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) bị rút ròng tới hơn 20 tỷ USD. Brazil, một thị trường mới nổi bị rút ròng hơn 6 tỷ USD. Ở ngay khu vực Đông Nam Á, Thái Lan bị rút ròng hơn 4 tỷ USD còn Malaysia là hơn 1 tỷ USD.

Như vậy, con số bán ròng hơn 3,5 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam vẫn là mức trung bình thấp so với nhiều thị trường khác. Trong khi đó, cơ hội để dòng vốn ngoại trở lại mua ròng đang là rất lớn trong năm 2025, khi có nhiều yếu tố tích cực cộng hưởng.

Triển vọng dòng tiền khối ngoại trở lại năm 2025

Triển vọng dòng tiền khối ngoại năm 2025 - Ảnh 2.

Lãi suất của Fed sẽ giảm chậm hơn so với các dự báo trước đó nên sẽ phải chờ đến giữa năm mới có các dòng vốn ngoại lớn vào thị trường Việt Nam thay vì chỉ nhỏ giọt như hiện nay.

Khối ngoại vẫn đang bán ròng gần 32,5 triệu USD chỉ tính riêng tuần đầu tiên của 2025, tuy nhiên, đà bán ròng đã chậm lại đáng kể. Lực bán tập trung vào một số cổ phiếu đã tăng mạnh trong năm qua nhưng ngược lại họ cũng gom ròng một số cổ phiếu ngân hàng, bất động sản công nghiệp có định giá hấp dẫn.

Bà Nguyễn Hoài Thu - Tổng Giám đốc Khối đầu tư Chứng khoán - Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital cho hay: "Hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam đang giao dịch ở mức định giá tương đối rẻ so với các nước khác trong khu vực. Triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025 theo chúng tôi là rất tích cực bởi vì các yếu tố vĩ mô đang diễn ra rất thuận lợi. Lợi nhuận doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán cũng được chúng tôi dự báo sẽ tăng 23,2% cho 2025 và 20% trong 2026 thì tất cả những điều này cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán không chỉ trong ngắn hạn mà trung dài hạn vẫn rất tích cực. Với những lý do liên quan đến lợi nhuận và định giá, chúng tôi tin là dòng tiền nước ngoài sẽ quay trở lại".

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh lãi suất của Fed sẽ giảm chậm hơn so với các dự báo trước đó, có lẽ sẽ phải chờ đến khoảng giữa năm, mới có các dòng vốn ngoại lớn vào thị trường thay vì chỉ nhỏ giọt như hiện nay.

Hiện giao dịch của khối ngoại chiếm tỷ lệ chưa tới 10% quy mô giao dịch toàn thị trường. Thế nên, trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài kỳ cựu, tương lai của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ nằm ở các nhà đầu tư tổ chức trong nước.

Ông Dominic Scriven - Chủ tịch điều hành Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital cho hay: "Cái chìa khóa với thị trường, cái tương lai của thị trường chứng khoán Việt Nam là phát triển các nhà đầu tư có tổ chức trong nước, thí dụ bằng cách phát triển 1 mạng lưới các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện hoặc là thuyết phục các công ty bảo hiểm nhân thọ tham gia thêm vào thị trường vốn".

Cũng theo đánh giá của quỹ ngoại lâu năm trên thị trường PYN EliteFund, sự tập trung của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian tới sẽ là câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của các doanh nghiệp niêm yết. Dự báo hệ số P/E cho thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ về mức hấp dẫn cho đầu tư dài hạn là 10,1 lần. Cùng với yếu tố nội tại, câu chuyện của thị trường năm 2025 còn được hỗ trợ bởi sự chuyển động tích cực trong thay đổi chính sách để đón vốn ngoại, đáp ứng yêu cầu nâng hạng thị trường của FTSE.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước