Nghị định 15 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) chính thức có hiệu lực thi hành để thay cho quy định thí điểm trước đây. Nghị định được xem là giải pháp hiệu quả để thay thế cho các mô hình đầu tư cũ như BOT, BT... vốn đã không còn hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng hiện nay.
Cơ sở pháp lý đã có, nhưng để triển khai hiệu quả Nghị định PPP này còn rất nhiều việc phải làm. Bên cạnh việc cần phải sớm ban hành các Thông tư hướng dẫn để đảm bảo sự đồng bộ của chính sách thì những chuẩn bị về nhân sự cũng như việc rút kinh nghiệm sau 4 năm triển khai thí điểm mô hình này có ý nghĩa rất lớn trong việc đưa Nghị định PPP đi vào cuộc sống.
Thực tế, đại diện nhiều Sở Kế hoạch-Đầu tư các tỉnh thành thừa nhận, họ vẫn còn lúng túng, chưa nắm rõ tinh thần của PPP, cũng như chưa có nhân sự có năng lực để thực hiện các dự án PPP. Lý giải cho điều này, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó cục Trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: "Trở ngại lớn nhất là sự chuyển đổi tư duy, sự chuyển đổi từ quán tính đầu tư công, từ quán tính mà chúng ta vẫn làm BOT, BT mà phần lớn BOT và BT trong thời gian qua là chỉ định nhà đầu tư sang cách làm mới minh bạch hơn, cạnh tranh hơn và rõ ràng hơn.
Về nhân sự, không một quốc gia nào có ngay nhân sự để làm PPP. Cũng như đấu thầu, chúng tôi phải mất 10 năm, từ năm 2005 đến nay, hầu như trên cả nước đã có đội ngũ làm đấu thầu chuyên nghiệp. Bài toán nhân sự là bài toán dần dần chúng ta phải làm".
Cũng theo bà Vũ Quỳnh Lê, thực hiện PPP cần cả sự chuyển biến về mặt nhận thức, tư duy và về mặt sẵn sàng tham gia thị trường của các cơ quan công quyền. "Khi làm PPP, các cơ quan công quyền phải nắm vai trò chuẩn bị dự án rất lớn. Một dự án không chỉ đảm bảo về mặt hiệu quả kinh tế xã hội, thiết thực cho nhân dân mà còn phải đảm bảo hiệu quả về mặt tài chính, thương mại. Chúng tôi sẽ cùng Bộ, ngành địa phương khắc phục tâm lý, hạn chế mặt năng lực để triển khai PPP".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.