Các chủ nhà trọ, chủ nhà cho thuê lý giải rằng mức giá điện cao vượt quy định là do tính thêm phí dịch vụ như đèn chiếu sáng, hệ thống bơm nước... vào giá điện cho người thuê nhà. Tuy nhiên, những khoản phí này được cho là đã bao gồm trong tiền dịch vụ quản lý mà người thuê trọ phải trả. Do đó, việc tính thêm phí vào tiền điện như hiện nay của các chủ nhà trọ, chủ nhà thuê được coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Hành vi thu tiền điện vượt quá giá quy định của các chủ nhà trọ, nhà cho thuê là vi phạm pháp luật
"Việc các chủ nhà cho thuê hiện nay họ tính gộp những khoản tiền dịch vụ đó vào thì mặc nhiên là họ đã bắt người thuê nhà phải chịu hai lần tiền dịch vụ. Một là tiền mà người thuê thực tế đã phải trả cho phí dịch vụ và thứ hai là tiền mà gấp đôi, gấp rưỡi số tiền điện họ phải trả. Tôi cho rằng là đây là một khoản phí rất là cao và nó gây thiệt hại rất lớn đối với những người thuê nhà. Bởi vì ngoài tiền thuê nhà phải trả thì họ lại phải trả thêm giá điện mà cao hơn rất nhiều so với cái giá thực tế nhà nước quy định", Luật sư Bùi Quang Hưng, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết.
Luật sư Bùi Quang Hưng khẳng định, theo quy định pháp luật, có hai cách tính tiền điện cho người thuê trọ: Áp dụng giá 2.167 đồng/số điện chưa tính VAT cho trường hợp thuê nhà dưới 1 năm và chủ nhà không kê khai số người sử dụng; Áp dụng giá 1.806 đồng/số điện cho 50 số đầu tiên và giá tiến thể cho các số tiếp theo, với điều kiện là người thuê nhà phải có hợp đồng thuê nhà từ 1 năm trở lên và đăng ký tạm trú.
Việc các chủ nhà trọ thu tiền điện cao hơn mức quy định được coi là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính từ 20-30 triệu đồng. Người thuê trọ có thể phản ánh các vi phạm này với cơ quan điện lực địa phương hoặc qua đường dây nóng 19001288. Theo đó, người thuê trọ cần cung cấp đầy đủ thông tin về chủ nhà trọ, mức giá điện đang thu và các bằng chứng liên quan đến các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính tại địa phương.
Người thuê trọ có thể phản ánh các vi phạm này với cơ quan điện lực địa phương hoặc qua đường dây nóng 19001288
Theo Luật sư Hưng, việc quản lý về giá định không chỉ là trách nhiệm của ngành điện lực. Để làm tốt việc quản lý giá cần có sự tham gia của chính quyền địa phương như: UBND cấp phường, xã, Sở Công thương. Các cơ quan này cần tăng cường giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của chủ nhà trọ trong việc thu tiền điện cao hơn mức quy định. Thông qua việc kiểm tra, thanh tra, các cơ quan chức năng có thể áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm để có tính răn đe.
Đối với chủ nhà trọ, cần có quy định cụ thể về việc niêm yết công khai giá điện để người thuê có thể giám sát và phản ánh khi phát hiện sai phạm. Bảng giá điện niêm yết phải được đặt tại nơi dễ quan sát của người thuê trọ để công khai, minh bạch trong việc thu tiền điện hàng tháng. Với những biện pháp công khai như vậy, bất kỳ một người thuê nhà nào cũng đều biết quyền và nghĩa vụ của mình đối với việc giám sát các chủ nhà cho thuê thực hiện đúng quy định pháp luật về giá tiền tiện.
Bên cạnh đó, cũng có những chủ nhà trọ làm đúng quy định, chỉ thu khoảng 2.300-2.400 đồng/số điện. Việc này giúp làm giảm áp lực kinh tế cho những người thuê trọ mà đa số là học sinh, sinh viên và người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, số lượng những chủ nhà trọ làm đúng quy định trong việc thu tiền điện của người thuê còn rất nhỏ.
Theo Luật sư Hưng, vẫn còn nhiều trường hợp chủ nhà trọ thu tiền điện cao hơn mức quy định, gây thiệt hại cho người thuê. Các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời yêu cầu chủ nhà trọ niêm yết công khai giá điện để người thuê có thể giám sát và phản ánh khi phát hiện sai phạm. Điều này sẽ giúp bảo vệ quyền lợi cho những người đi thuê trọ, đặc biệt là học sinh, sinh viên và người lao động có thu nhập thấp.
Cùng trao đổi chủ đề này trong Chương trình Vấn đề hôm nay là Luật sư Bùi Quang Hưng, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!